Giá cà phê giảm khiến công việc kinh doanh của ông Mario Lopez, cũng như bao người trồng cà phê khác, gặp khó khăn và thất bát. Bà Carmen Andino, vợ ông Lopez chia sẻ với hãng thông tấn Reuters (Anh): “Chồng tôi phải di cư bởi nợ nần và cà phê chẳng thể đem thức ăn về nơi đây”.
Đến giữa tháng 11/2018, ông Lopez và con gái 12 tuổi đã trải qua hành trình 35 ngày qua đất Mexico. Không lâu trước Giáng sinh, ông Lopez cùng con gái đã đặt chân vào lãnh thổ Mỹ. Kể từ đó đến nay, ông Lopez đều đặn gửi tiền cho vợ và 3 con gái vẫn sống tại La Colonia, Honduras – nơi xuất khẩu cà phê hàng đầu quốc gia Trung Mỹ.
Ông Lopez là trường hợp điển hình trong hàng chục nghìn nông dân tại Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua đã quyết định bỏ cây cà phê để nhập cư trái phép đến Mỹ, góp phần cho cuộc khủng hoảng ở biên giới phía Nam "xứ sở cờ hoa" mà Tổng thống Donald Trump lo lắng tìm cách xử lý.
Vào tháng 5, giá cà phê quốc tế rơi xuống mức thấp nhất trong 13 năm gần đây bởi sản lượng thu hoạch tăng đột biến.
Trong 8 tháng đầu tài khóa 2019 (bắt đầu từ tháng 10/2018), số lượng người nhập cư trái phép bị bắt giữ hoặc không cho nhập cảnh ở biên giới Mỹ-Mexico đã vượt quá 570.000 trường hợp, nhiều hơn cả tổng số trường hợp ghi nhận trong năm trước đó. Phần lớn người nhập cư là người các quốc gia Trung Mỹ.
Vùng Trung Mỹ là nơi cung ứng 10% cà phê Arabica – loại cà phê chất lượng cao thường dùng để pha chế espresso. Ngành cà phê chiếm tới 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Honduras.
“Năm nay chúng tôi chẳng thể bán nổi cà phê. Không ai thu được bất cứ lợi nhuận nào khi làm trong ngành này”, nông dân trồng cà phê 55 tuổi người Guatemala có tên David Ramirez chia sẻ.
Đầu năm 2019, ông Ramirez chi 2.600 USD cho những tên buôn người để đưa con gái 17 tuổi Delmi tới Mỹ bởi cô không thể tìm được việc ở Guatemala. Ông Ramirez bộc bạch: “Vì khủng hoảng cà phê, chúng tôi chẳng còn đồng tiền nào, một phần bởi vì con gái Delmi của tôi đã rời đi. Nhưng nó đã chết tại Mỹ”. Từ bi kịch này, ông Ramirez bắt đầu trồng ngô để trả nợ, trong khi nhiều người hàng xóm khác của nông dân này đến Mỹ để tìm tương lai tốt đẹp hơn.
Chính phủ Honduras đã phác thảo kế hoạch hỗ trợ tài chính và máy móc cho nông dân trồng cà phê nhưng nhiều người nông dân cho biết điều này có thể khiến họ phải gánh thêm nợ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Honduras Dagoberto Suazo cho biết: “Điều người nông dân muốn là làm giàu dinh dưỡng cho vườn cà phê và có tiền để nuôi gia đình”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho hay từ lâu cà phê là trụ cột của phát triển kinh tế và xã hội ở những khu vực nghèo khó giữa Mexico và Panama mang tên gọi “Hành lang Khô” – vùng đất phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng trong những năm gần đây.
Một nửa diện tích trồng cà phê tại Hành lang Khô đã được canh tác trong hơn 25 năm, chu kỳ được coi đã “lão hóa”. Chính vì vậy hiệp hội trồng cà phê của những quốc gia thuộc khu vực này về việc đảm bảo điểm canh tác mới.