Dựa trên hồ sơ của vườn quốc gia, số lượng rồng nói trên tập trung nhiều nhất ở đảo Komodo với 1.727 con, sau đó là đảo Rinca (1.049 con), đảo Gili Motang (58 con), Nusa Kode (57 con) và đảo Padar (6 con). Với những nỗ lực bảo tồn và nhân giống, số lượng rồng Komodo, loài thằn lằn khổng lồ quý hiếm tại Indonesia đã tăng nhanh trong 3 năm qua, từ 1.186 con năm 2016 đạt số lượng như hiện nay.
Vườn quốc gia Komodo, bao gồm 3 hòn đảo lớn là Komodo, Padar và Rinca cùng 26 hòn đảo nhỏ hơn, được thành lập vào năm 1980 để bảo vệ rồng Komodo (Veranus Komodoensis), loài thằn lằn khổng lồ duy nhất còn sót lại trên thế giới và được đưa vào sách đỏ là một trong các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Vườn quốc gia Komodo được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xếp hạng là khu dự trữ sinh quyển năm 1977 và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1991. Năm 2012, khu vực này được liệt kê trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Năm 2018, Vườn quốc gia Komodo đã ghi nhận doanh thu lên tới 32 tỷ rupiah (tương đương 1,5 triệu USD) từ các dịch vụ du lịch, tăng 3 tỷ rupiah so với năm trước. Tổng cộng gần 177.000 lượt khách du lịch đã đến thăm Vườn quốc gia Komodo trong năm, tăng mạnh so với con số gần 120.000 lượt khách trong năm 2017. Đa số khách du lịch đến thăm Komodo là người nước ngoài.
Mới đây, do lo ngại môi trường sống tự nhiên và sự yên tĩnh cần thiết cho loài thằn lằn này bị tác động quá nhiều bởi số lượng khách du lịch tăng vọt, Indonesia dự kiến tạm đóng cửa 1 năm đảo Komodo là nơi tập trung nhiều cá thể rồng nhất. Một phương án khác cũng được tính đến là hạn chế số lượng du khách được phép lên đảo này. Tuy nhiên, các kế hoạch như vậy không ảnh hưởng đến việc du khách đến thăm các đảo khác thuộc Vườn quốc gia Komodo.