Kết quả bỏ phiếu thông qua nghị quyết chống Mỹ công nhận Jerusalem không cao như mong đợi. |
Nghị quyết do Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen đề xuất tuyên bố hành động của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là “vô tác dụng và không có hiệu lực”.
Trong cuộc bỏ phiếu, đại diện của nhiều nước và nhóm nước đã có các bài phát biểu nhấn mạnh việc cần phải duy trì nguyên trạng vấn đề tình trạng của Jerusalem theo tinh thần của các nghị quyết của LHQ và thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông thông qua đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine.
Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley lên tiếng cảnh báo cuộc bỏ phiếu lần này sẽ “khiến Mỹ có cái nhìn hoàn toàn khác về LHQ và cái nhìn về những quốc gia không tôn trọng Mỹ trong LHQ. Đây sẽ là cuộc bỏ phiếu sẽ được ghi nhớ mãi”.
Chính quyền Tổng thống Trump khẳng định rõ ràng cuộc bỏ phiếu không ảnh hưởng gì tới kế hoạch của nước này chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng bày tỏ quan điểm hoàn toàn chối bỏ nghị quyết “hết sức phi lí” này.
Số các nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết thấp hơn mong đợi và có đến tận 21 nước vắng mặt đã khiến một bộ phận dư luận tin rằng lời đe dọa của Washington cắt viện trợ các nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết đã có tác dụng.
Trước đó, phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 đe dọa: "Họ nhận hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD, và rồi họ bỏ phiếu chống lại chúng ta. Chúng ta sẽ theo dõi những lá phiếu này. Hãy cứ để họ bỏ phiếu chống lại ta. Chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Chúng ta không quan tâm”. Đại sứ Mỹ Nikki Haley cùng ngày tuyên bố Washington sẽ "điểm danh" những quốc gia bỏ phiếu chống lại Mỹ về vấn đề Jerusalem.
Ngay sau lời đe dọa từ phía Mỹ, Cộng hòa Mali rút bảo trợ khỏi nghị quyết. Trong cuộc bỏ phiếu sáng 21/12, bên cạnh Mỹ, 8 nước bỏ phiếu chống nghị quyết gồm Israel, Guatemala, Honduras, quần đảo Marshall, Micronesia, Nauru, Palau và Togo. Trong khi đó, số quốc gia bỏ phiếu trắng khá nhiều, nổi bật trong đó có Canada, Colombia, Croatia, Cộng hòa Séc, Haiti, Mexico, Philippines, Nam Sudan, Trinidad và Tobago...
Những nước ủng hộ MỹTheo Daniel Kliman – một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh nước Mỹ mới, hầu hết các quốc gia bỏ phiếu chống cùng Mỹ là thành viên trong Hiệp hội Liên kết Tự do (COFA) và điều đó giải thích cho sự bỏ phiếu của họ.
COFA là một thỏa thuận được ký kết trong năm 1986 giữa Mỹ và các quần đảo thuộc Nam Thái Bình Dương, bao gồm Palau, Micronesia và Quần đảo Marshall.
Theo quy định của thỏa thuận, các đảo này nhận được sự giúp đỡ về mặt kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và một số lợi ích khác từ Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ có quyền hoạt động quân sự tại những quốc gia này. Micronesia, hay còn được thế giới biết đến với cái tên Liên bang Micronesia (FSM) có lịch sử lâu dài luôn bỏ phiếu giống với Israel.
Trong khi đó, một số các quốc gia bỏ phiếu trắng có quan hệ mật thiết với Mỹ bao gồm Kenya – quốc gia nhận viện trợ Mỹ nhiều thứ 5 năm ngoái, Georgia và Ukraine – quốc gia vừa được Mỹ chấp thuận cung cấp vũ khí sát thương.
Kết thúc cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Haley đã đăng một bức ảnh liệt kê tên các quốc gia bỏ phiếu chống, phiếu trắng và vắng mặt: “Chúng tôi trân trọng những quốc gia không đi theo con đường vô trách nhiệm của LHQ”.
Bà còn gửi lời mời 65 đại sứ các nước đó tới tham dự một buổi tiệc chiêu đãi tổ chức vào ngày 3/1 để cảm ơn vì tình hữu nghị với Mỹ.
Kết thúc cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikky Haley đăng một bức ảnh liệt kê tên các quốc gia bỏ phiếu chống, phiếu trắng và vắng mặt cảm ơn. |
“Chiến thuật bất thường”Đại sứ Palestine Riyad Mansour nhận định kết quả cuộc bỏ phiếu không chỉ là chiến thắng cho người Palestine mà còn cho luật pháp quốc tế và Liên hợp quốc. Ông chỉ trích đại sứ Nikki Haley đã thất bại hoàn toàn khi chỉ thuyết phục được 7 quốc gia khác ngoài Mỹ và Israel bỏ phiếu chống nghị quyết.
“Và họ sử dụng những chiến thuật bất thường, chưa từng nghe thấy trong lịch sử hợp tác ngoại giao tại LHQ, bao gồm hăm dọa tống tiền”, ông Mansour cho biết.
Mỹ và Israel đã triển khai một chiến dịch vận động hành lang cao độ chống lại nghị quyết, trong đó Đại sứ Haley đã gửi thư tới cho hơn 180 quốc gia cảnh báo “điểm danh” các nước bỏ phiếu chống Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, cuối cùng, phần lớn các nước nhận viện trợ của Mỹ như Afghanistan, Ai Cập, Jordan, Pakistan, Nigeria, Nam Phi… đều ủng hộ nghị quyết.