Các vụ cháy và nổ nhỏ đã xảy ra tại một số quận của thủ đô Tripoli trong đêm 26/8 rạng sáng 27/8, trong khi khói bốc lên từ các tòa nhà bị hư hại. Trước đó, 6 bệnh viện đã bị tấn công và xe cứu thương không thể tiếp cận các khu vực xảy ra giao tranh.
Diễn biến trên làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay có thể biến thành một cuộc xung đột mới quy mô lớn ở quốc gia Bắc Phi này.
Liên hợp quốc (LHQ) đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Libya. Ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết LHQ "đang theo dõi các diễn biến đáng lo ngại ở Libya, trong đó có các động thái huy động lực lượng, đe dọa sử dụng vũ lực nhằm đạt các mục đích chính trị". Người phát ngôn LHQ nhấn mạnh "điều rất quan trọng là giảm căng thẳng và mọi người đều chú ý những nhu cầu của người dân: đó là hòa thuận chính trị và hòa bình".
Căng thẳng chính trị gia tăng ở Libya kể từ khi quốc hội có trụ sở ở thành phố Tobruk miền Đông nước này hồi tháng 2 vừa qua chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới thay thế Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) Abdul Hamid Dbeibah. Tuy nhiên, ông Dbeibah từ chối chuyển giao quyền lực cho bất kỳ chính phủ nào, ngoại trừ một chính phủ dân cử. Ngày 25/8, ông Dbeibah kêu gọi Chủ tịch Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya (HCS) Khalid Al-Mishri và Chủ tịch Quốc hội Libya thông qua cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia.
Tranh cãi về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội là một trong những thách thức chính khiến các cuộc bầu cử quốc gia đã được lên kế hoạch vào tháng 12/2021 của Libya bị trì hoãn. Thất bại của kế hoạch tổ chức bầu cử là đòn giáng mạnh vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt một thập kỷ hỗn loạn ở Libya.