Ngõ nhỏ, hẹp thấp thỏm lo hỏa hoạn
Broadway là trung tâm thương mại của thành phố Kochi thuộc bang Kerala (Ấn Độ). Đô thị này sở hữu những con đường hẹp, tắc nghẽn và luôn chật cứng phương tiện đậu trái phép ở hai bên đường. Rủi ro rình rập nơi đây được phơi bày rõ ràng vào năm 2019, khi hỏa hoạn bùng phát tại một cửa hàng. Lực lượng cứu hỏa nhanh chóng có mặt tại hiện trường nhưng đường phố chật hẹp đã cản trở công tác dập lửa. Chỉ có hai hoặc ba xe cứu hỏa có thể vào khu vực. Theo người dân địa phương, khoảng 10 giờ sáng họ đã báo cho lực lượng cứu hỏa và cứu hộ nhưng phải mất 30 phút sau mới có đơn vị đầu tiên tiếp cận địa điểm hỏa hoạn.
Cán bộ cứu hỏa địa phương Ernakulam, KK Shiju cho biết đường hẹp đã trở thành một trở ngại. Ông nói rõ: “Các xe cứu hỏa xếp hàng nối tiếp nhau vì không gian cho các phương tiện di chuyển bị hạn chế”. Ngoài ra, dây cáp, dây điện bùng nhùng trên các cột điện, cột đèn cũng gây khó cho lực lượng cứu hỏa.
Đây không phải là câu chuyện của riêng Kochi. Thành phố “liên lục địa” Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có hơn 9.000 con phố chật hẹp mà xe cứu hỏa không thể đi vào trong trường hợp xảy ra động đất, hỏa hoạn hoặc các thảm họa khác. Một nghiên cứu năm 2023 dự đoán rằng khoảng 3.000 đám cháy sẽ bùng phát nếu động đất lớn xảy ra ở Istanbul.
Ông Remzi Albayrak, người đứng đầu Sở cứu hỏa Istanbul, cho biết những con phố chật hẹp là mối đe dọa lớn về mặt ứng phó khẩn cấp. “Số lượng phương tiện trong thành phố tăng lên rất nhiều. Do thiếu bãi đậu xe trong nhà và ngoài trời, người dân phải đỗ xe mất trật tự trên đường phố”, ông Albayrak giải thích.
Giọt nước mắt muộn màng
Nhiều công trình cao tầng mọc lên ở khắp nơi trên thế giới để đáp ứng nhu cầu sử dụng của dân số ngày càng tăng. Tuy nhiên, đã có nhiều vụ hỏa hoạn thương vong lớn xảy ra và chỉ sau đó các chuyên gia và cơ quan chức năng mới nhận ra được vấn đề để xử lý, rút kinh nghiệm thay vì có những bước đề phòng ngay từ đầu.
Cư dân Grenfell Tower biết họ đang gặp nguy hiểm. Nhưng không ai chú ý. Sau đó hỏa hoạn xảy ra tại tòa chung cư 24 tầng vào tháng 6/2017 khiến 79 người thiệt mạng và hàng trăm người trở thành vô gia cư. Khi ngọn lửa nhanh chóng lan rộng khắp tòa nhà, người dân cố gắng thoát ra ngoài, một số thậm chí nhảy khỏi cửa sổ, trong khi những người khác la hét cầu cứu. Đây là một trong những vụ hỏa hoạn chết chóc nhất tại Anh trong nhiều thập niên.
Các chuyên gia cho rằng lớp ốp - vật liệu được bổ sung bên ngoài các khối nhà cao tầng để cải thiện khả năng cách nhiệt và tính thẩm mỹ - đã góp phần khiến hỏa hoạn ở Tháp Grenfell lan rộng nhanh chóng.
Một trong những ví dụ khét tiếng nhất về lửa và khói lan nhanh tại nhà cao tầng là vụ cháy tkhachs sạn MGM Grand, xảy ra vào tháng 11/1980. Mặc dù đám cháy chỉ giới hạn ở tầng một của khách sạn nhưng khói độc đã lan khắp tòa nhà qua thang máy và cầu thang. Vụ hỏa hoạn khiến 87 người thiệt mạng, chủ yếu do ngạt khói, đặc biệt là ở các tầng trên.
Giáo sư Guillermo Rein tại Đại học Hoàng gia London (Anh) đánh giá, nhiều nước trên thế giới vẫn còn lỏng lẻo các quy định an toàn cháy nổ.
Ngoài vật liệu gây cháy, một yếu tố khác khiến các tòa nhà cao tầng mang nhiều rủi ro khi hỏa hoạn là do chính kiến trúc của chúng. Bố cục theo chiều dọc của một tòa nhà cao tầng gây ra những khó khăn đặc biệt. Nếu đám cháy bùng phát ở một tầng và lan sang cầu thang bộ, thang máy hoặc hệ thống thông gió thì có thể nhanh chóng lan sang các tầng khác.
Đám cháy lan theo chiều dọc này có thể gây nguy hiểm cho người dân và gây khó khăn cho việc sơ tán. Ngoài ra, lực lượng cứu hỏa có thể gặp trở ngại khi tiếp cận các tầng cao hơn hoặc cung cấp đủ nước để chữa cháy do chiều cao của các tòa nhà.
Giao tiếp hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc tiếp cận cư dân ở nhiều tầng có thể khó khăn, đặc biệt nếu họ không biết về tình trạng khẩn cấp đang diễn ra.
Bảo vệ người dân sinh sống trong các tòa nhà cao tầng và ngõ nhỏ chật hẹp khỏi nguy cơ hỏa hoạn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và có phối hợp. Việc nắm rõ những thách thức, hợp tác, lập kế hoạch chủ động và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy mang tính then chốt để tạo ra môi trường an toàn hơn cho người dân.