Theo tờ New York Times, báo cáo mới nhất của Tổng thanh tra Lầu Năm Góc hé lộ rằng giới chức nước này đã không theo dõi chính xác số vũ khí trị giá hơn 1 tỷ USD cung cấp cho Ukraine. Cụ thể, khoảng 40.000 vũ khí có thể đã bị đánh cắp hoặc buôn lậu.
Báo cáo trên nêu rõ mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ đã nâng cao khả năng theo dõi các nguồn cung cấp quân sự gửi cho Ukraine, song quốc gia này không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu và quản lý lỏng lẻo phần lớn khí tài nhận được.
Theo tài liệu, các hạng mục vũ khí cần giám sát sử dụng gồm tên lửa Javelin và Stinger, kính nhìn ban đêm, máy bay không người lái cảm tử và tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến.
Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng cho biết do quản lý lỏng lẻo, vũ khí đã bị đánh cắp hoặc chuyển khỏi Ukraine, nhưng nó nằm ngoài phạm vi điều tra của Lầu Năm Góc.
Tuyên bố này được đưa ra khi người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 11/1 thông báo với các phóng viên rằng Mỹ tạm dừng hỗ trợ cho Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Thượng nghị sĩ độc lập Kyrsten Sinema nói rằng các nhà đàm phán của Nhà Trắng và Thượng viện đang tiến rất gần với một thỏa thuận dự luật bổ sung nhằm tài trợ cho Ukraine cùng với chương trình an ninh biên giới của Mỹ.
Nhà Trắng trước đó đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản ngân sách bổ sung trị giá hơn 100 tỷ USD, trong đó có hơn 60 tỷ USD dành cho Ukraine. Thế nhưng, kế hoạch này đã bị các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa từ chối phê duyệt, trừ khi chính phủ có biện pháp tăng cường an ninh biên giới và hạn chế dòng người nhập cư.
Mỹ và các đồng minh đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Moskva đã nhiều lần cảnh báo rằng các nước phương Tây đang "đùa với lửa" khi cung cấp vũ khí làm kéo dài xung đột ở Ukraine. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh rằng mọi lô hàng vũ khí được chuyển cho Kiev đều sẽ trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Nga.