Phát biểu với tờ Wall Street Journal ngày 28/1, ông Jack Burns, Phó Chủ tịch Cardtronics, công ty chuyên giám sát an ninh cho khoảng 285.000 máy ATM ở 10 nước khác nhau, cho biết kẻ gian dùng các dụng cụ sử dụng thô sơ, chất nổ và thậm chí cả ô tô để phá máy ATM trộm tiền.
Trong khi đó, số vụ trộm cắp hụt tại các máy ATM do công ty 3SI Security Systems giám sát an ninh đã tăng 150% trong năm 2020 so với 2019.
Các ngân hàng cho biết mỗi máy ATM thường chứa khoảng 200.000 USD nhưng các máy đặt ở những cửa hàng tiện ích nhỏ thì chỉ có khoảng 20.000 USD. Khi đại dịch mới bùng phát hồi mùa Xuân năm ngoái khiến nhiều nơi tại Mỹ bị phong tỏa, các ngân hàng buộc phải trữ thêm tiền vào máy ATM để thuận tiện cho người dân rút tiền.
Theo bà Lisa Moughan thuộc công ty 3 IS Security Systems, nhiều vụ trộm ATM đã không thành vì kẻ gian bị phát hiện kịp thời nhưng với những vụ trót lọt, kẻ gian cũng lấy được khoảng 83.000 USD/vụ. Tuy nhiên, cảnh sát Mỹ cũng thu hồi được khoảng 80% tiền bị trộm từ các máy ATM.
Phương thức trộm ATM phổ biến nhất hiện nay là đọc trộm dữ liệu. Kẻ gian lấy trộm dữ liệu từ dải từ tính trên thẻ ngân hàng bằng một thiết bị gắn vào máy ATM hoặc dùng máy quay camera kín gắn vào máy ATM để ghi trộm mã PIN của khách.
Tuy nhiên, ở bang Texas đã xảy ra những vụ táo tợn hơn khi kẻ trộm buộc dây xích vào máy ATMs và dùng xe tải kéo cho vỡ tung máy để lấy tiền. Tình trạng kẻ gian dùng chất nổ để phá máy ATM cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn ở một số nơi trên đất Mỹ, dù với cách phá hoại này nhiều khi kẻ gian cũng không lấy được đồng nào vì tất cả đều bị đốt thành tro bụi.
Chỉ trong một tháng từ cuối tháng 5/2020 đến cuối tháng 6/2020, đã có 240 vụ trộm ATM xảy ra ở 17 thành phố trong nước Mỹ và phần lớn xảy ra ở Chicago và Philadelphia. Đây cũng chính là khoảng thời gian nhiều thành phố tại Mỹ bị phá phách và bị kẻ gian lợi dụng trộm cắp sau khi các cuộc bạo loạn sắc tộc nổ ra vì cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Cảnh sát Philadelphia cho biết bang này có 157 máy ATM bị phá hủy bằng chất nổ trong năm 2020, tăng 5 vụ so với năm 2019; chưa kể hàng trăm các máy ATM khác bị phá hủy bằng công cụ khác.
Tập đoàn Capital One Financial, một trong các chủ sở hữu hệ thống máy ATM tại Mỹ cho biết các ngân hàng của họ thường xuyên tiến hành kiểm tra an ninh tại các điểm đặt máy ATM. Tập đoàn tài chính Citizens, một chủ sở hữu máy ATM khác cũng cho biết họ thường xuyên theo dõi các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra và phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo an toàn cho các máy ATM.
Hiện công ty giám sát an ninh Cardtronics đang bắt đầu lắp đặt một thiết bị tại máy ATM có khả năng phun ra một loại mực đặc biệt để lại dấu vết trên tờ tiền mặt và nhờ vậy có thể xác định được tội phạm lấy trộm tiền từ các máy ATM.