'Sợi dây hòa bình' mỏng manh trên bán đảo Triều Tiên

Tình hình bán đảo Triều Tiên trong những ngày gần đây tiếp tục nóng lên với những tuyên bố, cảnh báo từ phía Triều Tiên. Từ việc cắt đứt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc, đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh, triển khai tên lửa đạn đạo tới bờ biển phía Đông, cho đến khuyến cáo người nước ngoài ở Triều Tiên và Hàn Quốc sơ tán và có dấu hiệu thử hạt nhân lần thứ 4… Cộng đồng quốc tế đang hết sức quan ngại về điểm nóng này ở khu vực. 



Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae trong cuộc họp báo về vấn đề khu công nghiệp chung Kaeseong ở Xơun ngày 11/4. THX/ TTXVN


Nguyên nhân căng thẳng

Sau khi bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết trừng phạt bổ sung vụ phóng vệ tinh mà Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cho là vụ phóng tên lửa đạn đạo trá hình, và vụ thử hạt nhân thứ 3, Triều Tiên đã phản ứng mạnh mẽ. Cuộc tập trận qui mô lớn của Hàn Quốc và Mỹ, trong đó Mỹ triển khai cả các máy bay ném bom chiến lược B52 và B2, như là cái cớ tiếp theo để Triều Tiên phản ứng quyết liệt hơn.

Theo ông Hiroyuki Hando, Trưởng ban biên tập tiếng Triều Tiên của hãng Thông tấn Kyodo, và ông Yoji Gomi, chuyên gia kỳ cựu về Triều Tiên, tác giả cuốn sách “Cha tôi - Kim Jong Il - và Tôi: Bộc bạch riêng của Kim Jong Nam”, những lý do trên chỉ là những  cái  cớ  “bề nổi”.

Hai chuyên gia này cho rằng các tuyên bố, hành động của Triều Tiên có hai mục đích sau. Thứ nhất, đến ngày 27/7 năm nay là tròn 60 năm ký Hiệp định Đình chiến kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, nhưng tình hình bán đảo này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng có thể nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào, do đó Triều Tiên muốn tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến Bắc-Nam không có ý nghĩa trên thực tế để buộc Mỹ phải triển khai đàm phán, ký hiệp ước hòa bình với Triều Tiên, từ đó đảm bảo sự an toàn cho chế độ ở Bình Nhưỡng.

Thứ hai, các hành động của Triều Tiên nhằm củng cố chính quyền của Kim Jong Un mới thành lập chưa lâu. Kim Jong Un còn trẻ, chưa có kinh nghiệm và thành tích lãnh đạo, nên ông này và các cố vấn của ông muốn tăng cường uy tín của ban lãnh đạo mới bằng cách đẩy căng thẳng lên cao nhằm nắm quyền chỉ huy quân đội và tập hợp tinh thần đoàn kết, hướng chú ý của dư luận vào tình trạng căng thẳng với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Xe tăng M-48 của Hàn Quốc được đưa tới triển lãm tại công viên hòa bình ở thành phố biên giới Paju, gần khu công nghiệp Kaesong ngày 11/4. Ảnh: AFP/TTXVN.


Chính quyền Bình Nhưỡng đặt ra hai mục tiêu là vừa phát triển, sở hữu công nghệ vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế để bảo vệ vững chắc chế độ. Chủ trương vừa sở hữu công nghệ hạt nhân, vừa đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc là di huấn từ ông nội và cha của ông Kim Jong Un, nên ông và các cố vấn của ông vẫn sẽ bảo vệ và đi theo chủ trương này. Những hành động thử hạt nhân, tên lửa vừa qua cùng với việc bổ nhiệm ông Pak Pong-ju, một chuyên gia kinh tế có tư tưởng cải cách làm thủ tướng đã cho thấy rõ đường lối này của ban lãnh đạo Triều Tiên.

Căng thẳng có dẫn đến xung đột quân sự?

Mặc dù căng thẳng tiếp tục tăng cao, nhưng các chuyên gia về Triều Tiên của Nhật Bản, trong đó có hai ông Hando và Gomi đều cho rằng Bình Nhưỡng không có ý định gây ra chiến tranh vì họ nhận thức rõ 100% hậu quả thế nào nếu chiến tranh xảy ra. Theo ông Hando, tại phiên họp quốc hội ngày 1/4 vừa qua, Triều Tiên đã soạn thảo luật mới qui định rõ việc sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ sử dụng để tự vệ.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên có luật qui định nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ. Do đó, mặc dù căng thẳng gia tăng, nhưng trên thực tế Triều Tiên sẽ không sử dụng trước vũ khí hạt nhân vì nó đồng nghĩa với việc tự hủy diệt mình. Việc Hàn Quốc và Mỹ đang tập trung lực lượng mạnh để tập trận và đang cảnh giác cao độ, chuẩn bị sẵn sàng đáp trả nếu Triều Tiên có hành động  khiêu khích quân sự cũng là một yếu tố răn đe, kiềm chế Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng hiện nay vẫn tiềm tàng nguy cơ xảy ra đụng độ nhỏ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Triều Tiên đã triển khai một số tên lửa đạn đạo ở bờ biển phía Đông nước này, trong đó có tên lửa Musudan có tầm bắn tới các căn cứ Mỹ ở Guam. Phía Hàn Quốc cũng cho biết có những dấu hiệu Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần thứ 4. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng Bình Nhưỡng có thể bắn vài quả tên lửa và thử hạt nhân để khẳng định họ không “nói chơi”, nhưng những hành động đó không dẫn tới xung đột quân sự và chỉ làm cô lập thêm nước này.

Nhật Bản sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên

Chính phủ Nhật Bản lên án các hành động khiêu khích của Triều Tiên, cho rằng các hành động này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và làm cho tình hình an ninh khu vực căng thẳng. Bộ trưởng Quốc phòng  Nhật Bản Itsunori Onodera đã ra lệnh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa cả trên đất liền và trên biển để sẵn sàng bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nếu có nguy cơ rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.

Trước thông tin Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo bất cứ lúc nào, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 10/4 nhấn mạnh “chúng tôi đang áp dụng tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ sinh mạng và sự an toàn của người dân” và cho biết ông đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Onodera ra lệnh cho lực lượng phòng vệ sẵn sàng bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên hướng tới Nhật Bản.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Triều Tiên phóng tên lửa, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế không có thêm các hành động khiêu khích.

Làm gì để giảm căng thẳng?

Theo các chuyên gia Nhật Bản, điều cần thiết hiện nay là các bên liên quan  cần phải xử lý hết sức bình tĩnh và cần phải tìm ra kênh đối thoại với Triều Tiên. Ông Hando cho rằng nên tổ chức đàm phán, đối thoại với cơ chế hẹp hơn đàm phán 6 bên, trước hết là giữa Mỹ và Triều Tiên, tiếp đó bổ sung thêm các nước đương sự đã tham gia ký hiệp định đình chiến là Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông cho rằng phương thức đàm phán như vậy mang tính hiện thực hơn để đàm phán soạn thảo một hiệp ước hòa bình và chừng nào các bên còn chưa ngồi vào bàn đàm phán thì chừng đó tình hình căng chưa thể dịu đi.

Trong khi dư luận hy vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực hơn thuyết phục Triều Tiên không có thêm hành động khiêu khích, ông Gomi cho rằng mặc dù Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên, nhưng họ đang rơi vào hoàn cảnh khó xử đối với nước đồng minh của họ.

Tuy Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của HĐBA LHQ trừng phạt Triều Tiên, nhưng họ không muốn áp dụng các biện pháp quá cứng rắn và luôn kêu gọi các bên kiềm chế để tránh kích động Triều Tiên. Nhiều chuyên gia Nhật Bản cho rằng Trung Quốc không muốn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân vì lo ngại Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có cớ để đi theo hướng này, đồng thời lo ngại Mỹ sẽ tăng cường hoạt động nhằm lật đổ chế độ ở Triều Tiên. Trên nguyên tắc, Trung Quốc muốn duy trì hiện trạng để có một “vùng đệm an ninh an toàn”.

Tóm lại, không bên liên quan nào muốn thấy một cuộc chiến tranh xảy ra, nhưng các bên cũng chưa thể thỏa hiệp ngay để làm dịu tình hình căng thẳng. Mặc dù đối thoại là biện pháp duy nhất để tháo “ngòi nổ” hiện nay ở bán đảo Triều Tiên, nhưng việc có thể tiến tới đối thoại hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực và thành ý của các bên liên quan.


Minh Sơn (PV TTXVN tại Tokyo)


 Nhật theo sát động tĩnh tên lửa Triều Tiên
Nhật theo sát động tĩnh tên lửa Triều Tiên

Chính phủ Nhật Bản khẳng định tiếp tục duy trì tình trạng báo động, theo sát mọi động tĩnh liên quan đến nguy cơ Triều Tiên phóng tên lửa và xem xét khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN