Cây cầu nối khu vực Đan Đông của tỉnh Liêu Ninh, Tây Bắc Trung Quốc và Sinuiju của Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Thành phố Đan Đông (Dandong) của tỉnh Liêu Ninh, Tây Bắc Trung Quốc, là nơi kết nối giao thương giữa hai nước. Thành phố này trở nên vắng vẻ kể từ khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau loạt vụ thử tên lửa tầm cao và thử hạt nhân hồi năm ngoái. Các lệnh trừng phạt đó gây tác động đến hoạt động mua bán hải sản, may mặc và thương mại hàng hóa khác giữa hai nước, đồng thời khiến nhiều lao động Triều Tiên phải rời bỏ các nhà máy Trung Quốc do sản xuất đình trệ.
Tuy nhiên, khác với vài tháng trước khi tình hình Bán đảo Triều Tiên căng thẳng bên bờ vực chiến tranh, trong vài tuần trở lại đây, Đan Đông chứng kiến giá nhà đất tăng vụt, kèm theo nhu cầu bất động sản cũng tăng sau những động thái ngoại giao đầy tích cực như cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra.
Giám đốc điều hành công ty bất động sản Aijia, Li Xinyu cho biết trong hai tuần qua, số người tiếp cận dịch vụ tư vấn của công ty này đã tăng vọt, với khoảng 20 cuộc gọi mỗi ngày và khoảng 10 lượt người đến hỏi mua nhà đất. Theo ông, giá bất động sản tại thành phố này đã tăng trung bình từ 20% đến 30% chỉ trong nửa tháng qua. Ông nhận định phần lớn nhu cầu mua nhà đất là để đầu tư, bởi nhiều người kỳ vọng Triều Tiên sẽ mở cửa sau tín hiệu tích cực trong quan hệ với Hàn Quốc.
Theo số liệu do Văn phòng đăng ký nhà đất Đan Đông công bố ngày 26/4, một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, vài ngày gần đây cơ quan này tiếp nhận hơn 260 đơn giao dịch bất động sản, vượt quá năng suất hàng ngày. Điều này trái với thị trường hồi tháng 3 trước đó khi giá nhà đất tại Đan Đông giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với bầu không khí tích cực như hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, các nhà đầu cơ bất động sản hy vọng rằng thị trường nhà đất tại Đan Đông sẽ nhộn nhịp hơn nữa.
Tuy nhiên, chừng nào các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên vẫn còn hiệu lực, các doanh nghiệp Trung Quốc không có nhiều hy vọng khôi phục lại các dự án đầu tư tại các nhà máy hay hoạt động khai mỏ tại Đan Đông. Giám đốc Viện nghiên cứu Biên giới thuộc Học viện Khoa học xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc), Lu Chao cho rằng vẫn còn quá sớm đề nói về sự phục hồi hoạt động đầu tư tại Đan Đông cho tới khi HĐBA LHQ giảm thiểu hoặc dỡ bỏ trừng phạt đối với quốc gia Đông Bắc Á này.