Theo tân Tổng thống Somalia, viện trợ nhân đạo khẩn cấp của cộng đồng quốc tế có thể giúp Somalia tránh rơi vào thảm kịch nhân đạo do tình trạng hạn hán kéo dài nhiều năm qua tại khu vực Đông Phi gây ra. Đặc biệt, hàng triệu người dân nước này đang có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng bởi trình trạng biến đổi khí hậu.
Trẻ em tại một trại tị nạn ở Mogadishu, Somalia ngày 12/2. Ảnh:THX/TTXVN |
Trước đó, các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc cảnh báo quốc gia vùng Sừng châu Phi này cùng với Yemen, Nam Sudan và Nigeria, đang bên bờ vực của nạn đói. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/2 cảnh báo Somalia có nguy cơ rơi vào nạn đói lần thứ 3 trong vòng 25 năm. Nạn đói gần đây xảy ra vào năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn 260.000 người. Theo WHO, hiện có hơn 6,2 triệu người, chiếm 1/2 dân số quốc gia Đông Phi này, đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, trong đó có gần 3 triệu người có nguy cơ chết đói. Nạn hạn hán kéo dài đang làm lây lan các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy cấp và bệnh sởi, khiến gần 5,5 triệu người dân Somalia có nguy cơ mắc bệnh đường ruột.
WHO nhấn mạnh hiện hơn 20 triệu người tại Nam Sudan, Somalia, Yemen và Nigeria đang phải đối mặt với nạn đói. Trong 4 quốc gia trên chỉ có Somalia là nạn đói hoành hành do hạn hán, trong khi 3 quốc gia còn lại xảy ra nạn đói chủ yếu là do xung đột và khủng hoảng kinh tế. Hiện khu vực Đông Phi có hơn 363.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp và 70.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng cần hỗ trợ y tế khẩn cấp. Điều này có nghĩa là 20% tổng dân số trong khu vực này đang thiếu lương thực trầm trọng, hơn 30% trẻ em suy dinh dưỡng nặng. Đặc biệt, tỉ lệ người chết vì đói mỗi ngày tại đây là 2/10.000 người.