Trong cuộc họp báo ngày 24/4, Thị trưởng Seoul, ông Oh Se-hoon đã công bố kế hoạch trong khuôn khổ sáng kiến Đại dự án sông Hàn nhằm khai thác hiệu quả và tăng sức hút của con sông này.
Chính quyền thành phố Seoul sẽ sử dụng 236,6 tỷ won (gần 173 triệu USD) từ ngân sách thành phố Seoul và huy động 313,5 tỷ won (228,3 triệu USD) vốn tư nhân cho dự án mới nhất này. Trong khuôn khổ kế hoạch, các văn phòng và một khách sạn nổi sẽ được trang bị các phòng lưu trú, tiện ích giải trí và phòng hội nghị. Sau khi được xây dựng, khách sạn sẽ cung cấp các dịch vụ vận chuyển, cũng như tour du lịch bằng tàu thuyền cho khách nghỉ ở khách sạn. Thành phố dự kiến bắt đầu xây dựng khách sạn vào năm 2026.
Seoul cũng có kế hoạch tổ chức các buổi diễu hành thuyền, các sự kiện điện ảnh và các chương trình giải trí trên bờ sông.
Ngoài ra, các bến tàu sẽ được xây dựng tại các khu Jamsil và Ichon bên bờ sông Hàn, lần lượt ở phía Đông Nam và Tây Nam Seoul, nhằm đủ sức chứa 1.000 chiếc thuyền dọc theo con sông. Bến tàu ở Jamsil sẽ đủ sức tiếp nhận các con tàu có kích cỡ từ trung bình đến lớn và dự kiến mở cửa phục vụ vào năm 2026. Trong khi đó, bến tàu ở Ichon sẽ có tên gọi Han River Art Pier, được trang bị thêm một bể bơi nổi, đài ngắm cảnh và các tiện ích giải trí khác khi khai trương năm 2026.
Dự kiến vào tháng 10 tới, Seoul cũng sẽ xây dựng một bến cảng ở điểm phía Nam cầu Mapo, phía Tây sông Hàn để phục vụ các hoạt động của tàu, phà du lịch. Trong tương lai, thành phố cũng có kế hoạch mở một bến tàu có tên gọi Seoul Port, ở khu vực Yeouido ven sông. Đây sẽ là nơi đón các phà chở khách có trọng tải dưới 5.000 tấn hoạt động dọc tuyến đường kết nối sông Hàn với Hoàng Hải.
Thành phố Seoul ước tính dự án này có thể đem lại lợi ích kinh tế lên tới 925,6 tỷ won (673,6 triệu USD) và 6.800 việc làm, giúp tăng khả năng cạnh tranh của thành phố. Thị trưởng Oh She-hoon nhấn mạnh dự án này sẽ biến sông Hàn thành trung tâm giải trí và phát triển, đồng thời tạo không gian để người dân có thể hưởng thụ cuộc sống hằng ngày.