S&P cảnh báo hạ bậc tín nhiệm quỹ EFSF

* Hy Lạp thông qua ngân sách 2012

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor's ngày 7/12 (giờ Việt Nam) cảnh báo sẽ hạ bậc tín nhiệm tín dụng của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Đây là cảnh báo thứ hai của tổ chức này trong 24 giờ qua đối với khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Trước đó, S&P đã cảnh báo hạ bậc tín nhiệm của 15 nước Eurozone.

S&P cảnh báo có thể sẽ hạ bậc tín nhiệm của EFSF.


S&P đã đặt quỹ EFSF trị giá 440 tỷ euro của châu Âu vào tình trạng cần được theo dõi vì quỹ này phụ thuộc vào bậc tín nhiệm của các quốc gia Eurozone. Hiện EFSF được xếp hạng AAA và nhờ đó quỹ này có thể huy động vốn trên thị trường trái phiếu với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất mà các quốc gia cần được giải cứu tự đi vay. S&P cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ chậm chạp trong bối cảnh các chính phủ tăng cường thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Phản ứng trước lời cảnh báo của S&P, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng những gì S&P đang làm chỉ là trách nhiệm của riêng tổ chức này. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng lời cảnh báo của S&P là cách mà tổ chức này thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Tuy nhiên, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, lại cho rằng tuyên bố của S&P là phóng đại quá mức và không công bằng vì đã không xem xét đến kế hoạch khắc khổ mới của Italia và đề xuất sửa đổi Hiệp ước châu Âu của Pháp - Đức.

Ngày 6/12, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã thông qua một sắc lệnh cho phép Thủ tướng Mario Monti thực hiện gói thắt lưng buộc bụng trị giá 30 tỷ euro, trong đó có biện pháp tăng thuế và áp đặt thêm một số loại thuế mới.

Quốc hội Hy Lạp ngày 7/12 cũng đã thông qua ngân sách năm 2012, thể hiện cam kết thắt chặt ngân sách hơn theo đúng yêu cầu của các lãnh đạo châu Âu để đổi lại khoản vay mới. Chính phủ liên minh của Thủ tướng Lucas Papademos đã ủng hộ kế hoạch ngân sách, theo đó đề xuất cắt giảm lương và tăng thuế nhằm giảm thâm hụt ngân sách và phục hồi tăng trưởng kinh tế vào năm 2014. Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Papademos cho rằng thực thi thành công kế hoạch ngân sách này chính là nhân tố giúp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế và tạo điều kiện để Hy Lạp nhận được khoản cứu trợ.

Trong khi đó, các kế hoạch của Pháp và Đức để cứu đồng euro đã gặp phải thách thức nghiêm trọng từ Anh - một thành viên không dùng đồng euro. Anh phản đối đề xuất thay đổi Hiệp ước châu Âu của Pháp và Đức vì sợ những thay đổi này sẽ làm giảm ảnh hưởng của Anh trong Liên minh châu Âu. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố: "Các nước Eurozone cần hợp tác, cần hành động cùng nhau nhiều hơn. Nếu họ muốn thay đổi Hiệp ước châu Âu, nước Anh cũng sẽ có những biện pháp riêng của mình". Ông Cameron dọa sẽ ngăn cản thay đổi Hiệp ước châu Âu nếu điều kiện của Anh không được đáp ứng.

Thủ tướng Pháp Francois Fillion cho rằng đề xuất của Pháp và Đức nhiều khả năng sẽ chỉ được 17 nước thuộc Eurozone, chứ không phải tất cả 27 quốc gia thành viên, nhất trí. Theo báo chí châu Âu, nhiều chi tiết trong đề xuất của Pháp và Đức chưa được tiết lộ và các nước khác sẽ chưa đưa ra phản ứng cho đến khi họ nắm được nội dung.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN