Theo đài BBC (Anh), ông Janaka Ratnayake, người đứng đầu cơ quan quản lý dịch vụ tiện ích của Sri Lanka cho rằng dầu nhập khẩu được sử dụng trong các lò hơi của nhà máy điện ở nước này chứa quá nhiều lưu huỳnh.
“Hàm lượng lưu huỳnh quá cao, không phù hợp với các nhà máy điện hiện tại và nó cũng không phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường. Nếu chúng ta mua dầu thô chất lượng tốt cho các nhà máy lọc dầu, thì vấn đề này sẽ không xảy ra”, ông Ratnayake nói với BBC. Vị quan chức này cũng cho biết khoảng 10% điện năng của đất nước đến từ các nhà máy điện chạy bằng dầu diesel và nhiên liệu. Phần còn lại được tạo ra từ các nhà máy thủy điện, năng lượng tái tạo và chạy bằng than.
Tuy nhiên, ông Kanchana Wijesekara, Bộ trưởng Điện và Năng lượng Sri Lanka đã bác bỏ cáo buộc trên và bảo vệ chính sách nhập khẩu dầu thô của đất nước. Trong tuyên bố trên Twitter, ông cho biết nhà bán lẻ nhiên liệu của Sri Lanka - Tập đoàn Dầu khí Ceylon - sẽ có phản ứng phù hợp với cáo buộc của ông Ratnayake.
Vào tuần trước, Sri Lanka đã phải tăng thời gian cắt điện hàng ngày từ 80 phút lên 140 phút do công suất phát điện giảm. Theo Bộ trưởng Wijesekara, động thái kéo dài thời gian cắt điệnlà do sự cố xảy ra tại một trong các nhà máy thủy điện và do đất nước không đủ kinh phí mua dầu diesel và nhiên liệu.
Quốc gia Nam Á 22 triệu dân đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 1948. Nước này không có đủ khả năng chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu chính - bao gồm nhiên liệu, phân bón và thuốc men.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Sri Lanka đã tăng lên hơn 70% vào tháng 8, khi nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 7 thập kỷ. Dữ liệu chính thức cũng cho thấy giá thực phẩm hiện nay đã tăng 84,6% so với một năm trước. Trong bối cảnh đó, Sri Lanka đã phải vật lộn tìm nguồn cung ngoại tể để nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm.
Cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến các làn sóng biểu tình phản đối chính phủ. Khắp các con phố, tình trạng người dân phải xếp hàng dài bên ngoài các trạm xăng cũng kéo dài suốt nhiều ngày. Vào tháng 7, tình hình bất ổn lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa buộc phải rời khỏi đất nước và từ chức sau khi hàng nghìn người biểu tình xông vào dinh thự của ông.
Chính trị gia kỳ cựu Ranil Wickremesinghe sau đó đã được các nghị sĩ bầu làm Tổng thống mới của đất nước. Kể từ đó, Chính phủ của ông đã đưa ra nhiều biện pháp phù hợp để xoa dịu cuộc khủng hoảng, như áp dụng hệ thống định lượng nhiên liệu sử dụng mã QR giúp giảm bớt tình trạng xếp hàng bên ngoài các trạm xăng dầu.
Sri Lanka cũng đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về khoản vay khẩn cấp 2,9 tỷ USD. Giới chức hy vọng thỏa thuận này sẽ được hội đồng IMF thông qua vào cuối năm nay. Tuy nhiên, khoản vay này kèm điều kiện gồm Colombo phải đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về việc tái cơ cấu nợ. Sri Lanka đang gánh khoản nợ nước ngoài lên tới 50 tỷ USD.