Theo đó, Sri Lanka sẽ cùng các nước như Ấn Độ bảo vệ tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại toàn cầu này.
Thông báo trên được đưa ra theo lệnh hồi tuần trước của Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, người đã tuyên bố chi 250 triệu Rs (775.000 USD) trong 2 tuần để triển khai nỗ lực này.
Theo cổng thông tin Newswire Lanka, người phát ngôn Hải quân Sri Lanka, Đại úy Gayan Wickramasuriya, đã công bố thông tin trên, song không xác nhận thời gian chính thức thực hiện kế hoạch này.
Theo ông Wickramasuriya, ban đầu, một con tàu sẽ được triển khai như một phần của Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng do Mỹ đứng đầu đang diễn ra tại Biển Đỏ và các tuyến đường thương mại liền kề. Các cuộc thảo luận sẽ được tổ chức và tàu chiến này sẽ được triển khai tới bất kỳ tuyến đường biển nào cần được bảo vệ khỏi lực lượng Houthi dựa trên khả năng của chính chiến hạm này. Ông cũng tuyên bố rằng việc triển khai thêm tàu hoặc hoán đổi tàu sẽ diễn ra dựa trên yêu cầu thực tại và tình hình kinh tế của Sri Lanka cũng như kết quả thảo luận về vấn đề này.
Tổng thống kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Wickremesinghe đã bị chỉ trích vì quyết định này vào thời điểm quốc đảo này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, các nguồn tin trong chính quyền cho rằng chi phí triển khai tàu sẽ thấp hơn nhiều so với tổn thất mà cảng Colombo phải gánh chịu nếu giao thông đường biển bị cản trở do các cuộc tấn công của Houthi.
Các cuộc tấn công của Houthi tập trung vào nút thắt phía Nam Bab al-Mandeb trên Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trên tuyến đường biển chiếm khoảng 12% tổng khối lượng hàng hóa thương mại của toàn cầu.
Houthi đã tiến hành hơn 20 vụ tấn công vào các tàu chở hàng trong những tuần gần đây. Những vụ tấn công này đã làm tăng mạnh chi phí vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu.