Theo Bloomberg, Trung Quốc vẫn chưa cam kết cấp lại các khoản vay trị giá 4 tỷ USD mà Pakistan đã hoàn trả vào cuối tháng 3 và cũng không đáp lại lời đề nghị của Sri Lanka về khoản hỗ trợ tín dụng 2,5 tỷ USD.
Mặc dù Trung Quốc đã cam kết giúp đỡ cả hai nước, nhưng cách tiếp cận thận trọng nói trên cho thấy họ đang tinh chỉnh Sáng kiến Vành đai và Con đường và ngại bị coi là can thiệp vào tình hình chính trị ở hai nước. Pakistan đã có thủ tướng mới từ ngày 11/4 sau khi quốc hội phế truất ông Imran Khan. Còn nhà lãnh đạo Sri Lanka đang đối mặt với áp lực từ chức từ những người biểu tình.
Ông Raffaello Pantucci, một thành viên cao cấp tại khoa nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho biết: “Trong vài năm qua, Trung Quốc đã cân nhắc lại việc cho các quốc gia vay tiền vì các ngân hàng nước này nhận ra rằng họ đang gánh rất nhiều nợ của các quốc gia có triển vọng trả nợ khá hạn chế. Điều này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hơn ở Trung Quốc vốn cũng đòi hỏi phải chi tiêu nhiều. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không còn hứng thú với việc chi tiền bừa bãi nữa”.
Trung Quốc đang phải đối mặt với những rắc rối kinh tế khi phải phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Trung Quốc đã đóng cửa các trung tâm công nghệ và tài chính ở Thượng Hải và Thâm Quyến. Ngày 11/4, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với chính quyền địa phương rằng cần phải khẩn trương hơn khi thực hiện các chính sách vì các nhà phân tích cảnh báo mục tiêu tăng trưởng chính thức 5,5% đang khó đạt được.
Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới trong thập kỷ qua. Các ngân hàng chính sách nhà nước ở nước này cho các quốc gia đang phát triển vay nhiều hơn so với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Thế giới trong một số năm gần đây.
Sri Lanka đã bị Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm sâu hơn. Ngày 13/4, Fitch Ratings cho biết quyết định đình chỉ thanh toán nợ nước ngoài của Sri Lanka đã kích hoạt quy trình vỡ nợ quốc gia. S&P cho biết các khoản thanh toán lãi suất tiếp theo của Sri Lanka sẽ đến hạn vào ngày 18/4 và việc không thanh toán các khoản này có thể dẫn đến vỡ nợ, cũng như tái cơ cấu nợ hoàn toàn.
Đại sứ Sri Lanka tại Bắc Kinh trong tuần này cho biết ông rất tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ tín dụng, trong đó có khoản 1 tỷ USD để nước này trả các khoản vay hiện có của Trung Quốc đến hạn vào tháng 7. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Đại sứ Palitha Kohona cho biết quá trình này thường mất hàng tháng và ông thấy không có tình trạng chậm trễ. Ông nói: “Với hoàn cảnh hiện tại, không có nhiều quốc gia có thể bước ra và làm điều gì đó. Trung Quốc là một trong những quốc gia có thể làm điều gì đó rất nhanh chóng”.
Tuy nhiên, vai trò của Trung Quốc trong giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Nam Á có thể bị hạn chế mặc dù nước này là một chủ nợ lớn. Một học giả ở Thượng Hải chuyên nghiên cứu về hoạt động cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc cho biết: Các hạn mức tín dụng mới khó được thông qua hơn do các nhà chức trách tập trung vào quản lý rủi ro tại các tổ chức tài chính, trong đó có cả các ngân hàng chính sách.
Tại hội nghị chuyên đề cấp cao về Vành đai và Con đường vào tháng 11/2021, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cần tiếp cận thận trọng hơn. Ông nói: “Cần phải triển khai các hệ thống phòng ngừa và kiểm soát rủi ro”. Ông kêu gọi ưu tiên những dự án “nhỏ nhưng đẹp” khi hợp tác nước ngoài và tránh những nơi nguy hiểm và hỗn loạn.
Đầu tháng này, trong cuộc họp với Đại sứ Kohona, ông Jin Liqun, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc hậu thuẫn, đã khuyến khích Sri Lanka nhờ IMF giúp đỡ.
Theo bà Meg Rithmire, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, món nợ nặng nề nhất về thời hạn và lãi suất thường là nợ trái phiếu quốc tế, chủ yếu là những người tham gia thị trường tư nhân. Do đó, nhiều người ở Trung Quốc cho rằng các nước đã không công bằng khi đổ lỗi cho Trung Quốc vì các lựa chọn tài chính của các nhà lãnh đạo chính trị ở các nước khác. Bà nói: “Trung Quốc cảnh giác về việc các hành động của mình bị hiểu sai hoặc gây phản tác dụng. Theo tôi, họ đang chờ xem các bên khác, như các tổ chức tài chính quốc tế, có hành động gì trước khi họ tham gia hỗ trợ tín dụng”.
Ông Matthew Mingey, nhà phân tích cấp cao tại Rhodium Group, cho biết các ngân hàng phát triển của Trung Quốc đang bảo toàn lợi nhuận và sẽ rất khó để họ dễ dàng chấp nhận các yêu cầu hoãn nợ của Sri Lanka. Các điều kiện tín dụng ở Trung Quốc không dễ dàng. Cuối cùng, Sri Lanka sẽ cần IMF.
Ngày 12/4, Sri Lanka cho biết rằng họ sẽ xúc tiến các cuộc đàm phán với IMF sau khi tạm dừng thanh toán nợ nước ngoài để có tiền nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu thiết yếu. Chính phủ mới của Pakistan cũng có kế hoạch làm việc với IMF để ổn định nền kinh tế.
Ông Muttukrishna Sarvananthan, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Point Pedro ở Sri Lanka, cho biết khả năng của Trung Quốc hỗ trợ một trong hai quốc gia đối phó với khủng hoảng nợ nần là có hạn, đặc biệt là khi hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh hầu như luôn gắn liền với các dự án cụ thể. Ông nói thêm, Trung Quốc có chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ nên nước ày sẽ không đưa ra lời khuyên cho các quốc gia thoát khỏi khủng hoảng tài chính.
Ông Sarvananthan nói: “Ngay cả IMF dường như cũng đang hành động rất chậm, nếu không muốn nói là bỏ mặc các yêu cầu hỗ trợ của cả Pakistan và Sri Lanka. Không quốc gia bảo trợ hay thể chế tài chính quốc tế nào muốn rót tiền vào con tàu đang chìm ở cả Pakistan và Sri Lanka”.