Các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore và Đại học Rowan và Đại học Pennsylvania ở Mỹ đã phân tích hơn 64.000 cơn bão trong lịch sử lẫn trong tương lai được mô hình hóa từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 21 để đưa ra những phát hiện này.
Được công bố trên tạp chí đối tác của "Nature" là "Climate and Atmospheric Science", nghiên cứu nêu bật những thay đổi đáng kể trong hành vi của các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á. Bên cạnh việc hình thành gần bờ biển hơn, các cơn bão còn di chuyển chậm hơn trên đất liền, gia tăng nguy cơ gây hại. Nghiên cứu nhấn mạnh các cộng đồng và thành phố ven biển như Hải Phòng hay thủ đô Bangkok của Thái Lan đang đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có từ các cơn bão kéo dài và mạnh hơn.
Biến đổi khí hậu, với sự nóng lên của đại dương, đã tác động trực tiếp đến quỹ đạo của các cơn bão. Khi di chuyển qua vùng biển ấm hơn, các cơn bão thu hút nhiều hơi nước và nhiệt lượng hơn, dẫn đến gió mạnh hơn, mưa lớn hơn và lũ lụt nghiêm trọng khi đổ bộ vào đất liền. Đây là cảnh báo của Tiến sĩ Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore thuộc Đại học Công nghệ Nanyang.
Những khu vực đông dân cư dọc bờ biển Đông Nam Á đang là điểm nóng chịu tác động nặng nề nhất. Theo Tiến sĩ Andra Garner, tác giả chính của nghiên cứu, con người cần hành động ngay trên hai mặt trận. Thứ nhất, giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để hạn chế tác động của các cơn bão trong tương lai. Thứ hai, tăng cường bảo vệ bờ biển trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của bão.
Tuần trước, mưa lớn từ bão Gaemi đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở thủ đô Manila của Philippines và thành phố Cao Hùng ở Đài Loan (Trung Quốc). Đây là cơn bão mạnh nhất tấn công Đài Loan trong 8 năm qua, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ở Philippines, bão lũ cũng đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng.