Phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Biden nêu quan điểm rằng lực lượng chức năng Mỹ bắn hạ khinh khí cầu dựa trên nhận định hợp lý. Ông khẳng định đây là thực tế, không đặt ra vấn đề "suy yếu hay tăng cường (quan hệ song phương)".
Trước đó, ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã trao công hàm cho Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc để phản đối việc "Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu dân sự không người lái của Trung Quốc". Ông Tạ Phong cũng hối thúc Mỹ không làm leo thang căng thẳng, cho biết Chính phủ Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Truyền thông Mỹ đưa tin máy bay chiến đấu của nước này đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ ở khu vực ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương, vào chiều 4/2 (giờ địa phương). Ngày 5/2, Quân đội Mỹ cho biết đang tìm kiếm những mảnh vỡ của khinh khí cầu đã bị bắn hạ này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn, khinh khí cầu đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến do ảnh hưởng của gió và khả năng tự điều chỉnh hạn chế.
Trong diễn biến liên quan, ngày 6/2, Chính phủ Costa Rica thông báo phía Trung Quốc đã xin lỗi vì sự cố khinh khí cầu của nước này bay qua lãnh thổ của quốc gia Trung Mỹ. Hãng tin Reuters (Anh) dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Costa Rica cho biết Bắc Kinh đã thừa nhận một trong những khinh khí cầu của nước này đã bay qua Costa Rica và Đại sứ quán Trung Quốc ở San Jose đã "gửi lời xin lỗi vì sự cố". Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu này thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu thời tiết. Trước đó, ngày 5/2, lãnh đạo Cơ quan Hàng không dân dụng Costa Rica cho biết các quan chức nước này đã nhận được báo cáo về việc một khinh khí cầu bay qua lãnh thổ nước này vào ngày 2/2.