Theo hãng tin Reuters (Anh), hai mẫu dơi móng ngựa được thu thập từ năm 2010 ở tỉnh Stung Treng, giáp biên giới với Lào đang được lưu giữ tại Viện Pasteur Cambodge (IPC) ở Phnom Penh. Các xét nghiệm được thực hiện vào năm ngoái cho thấy virus từ hai mẫu dơi này có họ hàng gần với loại virus SARS-CoV-2 đã khiến trên 4,7 triệu người trên toàn thế giới tử vong.
Một nhóm các nghiên cứu tại IPC gồm 8 thành viên đã thu thập mẫu từ dơi và phân loại chúng theo giới tính, tuổi tác và các thông tin chi tiết khác trong một tuần. Nghiên cứu tương tự cũng đang được tiến hành ở Philippines.
“Chúng tôi hy vọng kết quả từ nghiên cứu này có thể giúp thế giới hiểu rõ hơn về COVID-19”, điều phối viên thực địa Thavry Hoem nói với Reuters khi đang dùng lưới bắt dơi.
Các loài vật chủ, chẳng hạn như dơi, thường không có triệu chứng của mầm bệnh, nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu lây truyền virus sang người hoặc các động vật khác.
Tiến sĩ Veasna Duong, Giám đốc Viện Virus học tại IPC, cho biết viện của ông đã thực hiện 4 chuyến đi như vậy trong suốt 2 năm qua, với hy vọng tìm ra manh mối về nguồn gốc và sự tiến hóa của virus ký sinh ở loài dơi.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu virus có còn ở đây hay không và nghiên cứu cách tiến hoá của virus”, ông nói.
Những loại virus chết người có nguồn gốc từ dơi bao gồm Ebola và các loại virus Corona gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Tuy nhiên, Tiến sĩ Veasna Duong cho rằng con người phải chịu trách nhiệm về sự tàn phá do COVID-19 gây ra, do sự can thiệp và phá hủy môi trường sống tự nhiên.
“Nếu chúng ta ở gần động vật hoang dã, khả năng nhiễm virus do động vật hoang dã mang theo cao hơn bình thường. Cơ hội virus đột biến cũng dễ lây nhiễm sang người hơn”, ông nói.
Julia Guillebaud, kỹ sư nghiên cứu tại Viện Virus học của IPC, cho biết dự án cũng nhằm xem xét việc buôn bán động vật hoang dã có vai trò như thế nào đối với nguồn gốc đại dịch COVID-19.
“Dự án nhằm mục đích cung cấp kiến thức mới về các chuỗi buôn bán thịt động vật hoang dã ở Campuchia, ghi lại sự đa dạng của các chủng virus lưu hành qua các chuỗi này, đồng thời phát triển một hệ thống phát hiện sớm linh hoạt và tích hợp các sự kiện lây lan virus”, Jula Guillebaud nói.