Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 50% sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, nhưng sẽ cần tiết kiệm để bù đắp sự khác biệt với các nguồn cung cấp thay thế. Đây là thông tin được Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đưa ra mới đây.
“Chúng tôi đã xoay sở để đối phó với việc giảm tỷ trọng nhập khẩu khí đốt của Nga tổng thể từ 40% vào đầu năm xuống còn khoảng 20% hiện nay, chủ yếu bằng cách mua thêm LNG, với tỷ lệ sử dụng khí đốt đã tăng gấp đôi từ 19% lên 37%”, nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho biết.
Ông Borrell nói thêm: “Chúng tôi cũng đã đạt được tiến bộ trong việc mua thêm khí đốt từ Na Uy, Algeria và Azerbaijan. Tuy nhiên, nỗ lực đa dạng hóa này sẽ không đủ để bù đắp tất cả lượng khí đốt bị mất từ Nga, đồng nghĩa với việc lượng tiêu thụ cũng cần phải giảm".
Do đó, ông Borrell nhấn mạnh sẽ làm hết sức mình để ủng hộ mức cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt do Ủy ban châu Âu đề xuất, lưu ý: “Về cơ bản, đây là cách chúng ta chuẩn bị cho một mùa Đông khắc nghiệt và thể hiện đoàn kết. Chúng ta cần phát triển một Liên minh Năng lượng thực sự”.
Trong thông báo của mình, ông Borrell lưu ý rằng việc EU chuyển sang sử dụng các nguồn khí đốt thay thế sẽ không ảnh hưởng đến tham vọng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch của EU. “Bất chấp nhu cầu ngắn hạn của chúng tôi về nhiên liệu hóa thạch để thay thế một phần nguồn cung cấp từ Nga, chúng tôi không thúc đẩy sự khôi phục hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu”, quan chức này nêu rõ.
Các bộ trưởng năng lượng của EU vào tháng trước đã đồng ý về một kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt trong toàn khối bắt đầu từ tháng này, sau khi họ đạt được đồng thuận về việc miễn cắt giảm một số ngành và cho phép các quốc gia thành viên có thêm thời gian thực hiện tỷ lệ cắt giảm tiêu thụ.
Điều này dẫn đến sự phản đối gay gắt từ một số thành viên EU cho rằng họ không nên bị buộc phải cắt giảm lượng tiêu thụ sâu như các nước khác có ít nguồn khí đốt thay thế trong trường hợp không có khí đốt của Nga.