Những em bé Afghanistan giúp bố đào khoai trên đồng. Ảnh: AFP/TTXVN |
Anh Samad Alawi, vợ và 2 con trai cùng 32 người bạn có cùng sinh nhật 1/1 giống hàng nghìn người dân quốc gia Tây Nam Á này, thực ra không phải vì họ được sinh ra trong ngày đó mà bởi vì họ không có thông tin gì về ngày sinh của mình nên chọn ngày 1/1 cho thuận tiện.
Tại quốc gia mà nhiều người không thể biết được ngày sinh của mình vì thiếu đủ loại giấy tờ hay ghi chép, một số người còn chọn cả những dịp lễ đặc biệt, những dấu mốc lịch sử để xác định tuổi tác của mình.
Cùng với sự bùng nổ của mạng truyền thông xã hội như Facebook, người dùng được yêu cầu đăng ký ngày sinh khi thiết lập tài khoản, những người dân vốn chẳng có ý niệm gì về ngày sinh chính xác của mình tại Afghanistan đành phải chọn đại một ngày cho mình và 1/1 là ngày phổ biến nhất.
Thậm chí có người biết ngày sinh thực của mình cũng hòa chung trào lưu để khỏi phải quy đổi ngày sinh từ lịch Hijri truyền thống sang ngày Dương lịch. Lịch Hijri là lịch của người theo đạo Hồi, phổ biến tại Afghanistan và Iran, có ngày đầu năm tương ứng với ngày 21/3.
Ngay cả thông tin trên chứng minh thư nhân dân của người dân Afghanistan (Tazkira) cũng không phản ánh được những thông tin chính thức, không có mục ngày tháng năm sinh cụ thể trên giấy tờ tùy thân quan trọng này. Tuổi tác người làm chứng minh thư chỉ được xác định dựa trên một cơ sở khá mông lung là vẻ bề ngoài. Giới chức Afghanistan cũng đang nỗ lực để khắc phục tình trạng "nhập nhằng" này.
Trong những năm gần đây, nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn ở Afghanistan đã bắt đầu cấp giấy chứng sinh cho trẻ sơ sinh, chính phủ cũng lên kế hoạch phát hành chứng minh thư điện tử hoặc chứng minh thư tích hợp được với hệ thống máy tính. Tuy nhiên, khủng hoảng chính trị và các vấn đề kỹ thuật đã khiến kế hoạch này bị trì hoãn khá lâu.