Khẩu hiệu chính thức của sự kiện trọng đại này là “Đại hội của sự tiếp nối lịch sử cho cách mạng Cuba”. Suốt 60 năm qua, Cuba vẫn đang phát triển và tiếp nối của con đường mà Tổng tư lệnh Fidel Castro cùng các đồng chí của mình đã mở ra với cuộc cách mạng năm 1959. Tại thời điểm hiện nay, việc khẳng định tinh thần tiếp nối ấy là cần thiết hơn bao giờ hết.
Không chỉ vì đây là lần chuyển giao cuối cùng của thế hệ lãnh đạo lịch sử thời kỳ cách mạng 1959, đại hội này còn diễn ra vào đúng thời điểm Cuba vừa bắt đầu quá trình chuyển mình về kinh tế trên quy mô rộng, đồng thời đối diện rất nhiều khó khăn thách thức do đại dịch COVID-19 và cuộc bao vây, cấm vận kinh tế toàn diện của Mỹ gây ra.
Ba chủ đề chính của Đại hội VIII Đảng Cộng sản Cuba bao gồm đánh giá lại kết quả kinh tế - xã hội đạt được kể từ Đại hội lần thứ VII năm 2016; cập nhật các chủ trương, đường lối của Kế hoạch Phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đề ra; thảo luận về công tác quần chúng, tư tưởng và chính sách cán bộ của Đảng. Các chủ đề này cũng đã được thảo luận chuyên đề ở cấp cơ sở trước Đại hội.
Luôn hướng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Cuba, mỗi kỳ đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Cuba đều tương ứng với một giai đoạn lịch sử đặc thù, với những đặc điểm tình hình và nhiệm vụ cách mạng riêng biệt. Có thể thấy trong kỳ đại hội lần này, Đảng Cộng sản Cuba đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo những thành tựu và cân bằng trong an sinh xã hội là nhiệm vụ bao trùm và tiên quyết trong thời gian tới, khi mảng nhiệm vụ này chiếm tới 2 trong số 3 chủ đề lớn của Đại hội VIII.
Nhìn lại 5 năm qua, một trong những bước đi vĩ mô quan trọng nhất của Cuba là thông qua Hiến pháp mới năm 2019, sau một quá trình tham vấn nhân dân rộng rãi và các bước thông qua cần thiết kéo dài hơn một năm. Văn bản luật cơ bản mới của Cuba tiếp tục khẳng định những nguyên tắc cách mạng xã hội chủ nghĩa như nền móng xây dựng đất nước Cuba, lấy con người làm trung tâm cho các chính sách và thực hành phát triển hay vai trò lãnh đạo của Đảng.
Nhiều nội dung mới đáng chú ý cũng được đưa vào Hiến pháp, như củng cố tính pháp quyền của Nhà nước, cấu trúc lại cơ cấu hành chính từ cấp trung ương tới địa phương và áp dụng chế độ nhiệm kỳ, công nhận các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và tạo cơ sở hiến pháp cho hoạt động của các thành phần này trong tương lai, cũng như đưa vào một số quyền của người dân trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ.
Trong giai đoạn 2016 – 2018, Cuba tiếp tục vừa tiến hành vừa điều chỉnh các chủ trương kinh tế mới như phát triển các hợp tác xã phi nông nghiệp và giới lao động tự doanh, phân cấp quản lý kinh tế - sản xuất về địa phương, hay triển khai những định hướng thu hút đầu tư nước ngoài mới. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân chủ quan như lãnh đạo Cuba từng thẳng thắn thừa nhận, nhiều nguyên nhân khách quan đã tác động tới kết quả của những bước đi này cũng như khả năng mở rộng chúng thành định hướng triển khai trên toàn quốc.
Đó là siêu bão Irma (tháng 10/2017), việc Mỹ thay đổi chính sách với Cuba chỉ hơn 1 năm sau khi môi trường quốc tế và đặc biệt là khu vực không thuận lợi (các chính phủ tiến bộ và thân thiện với Cuba tại Mỹ Latinh gặp nhiều khó khăn, trong khi nhiều chính phủ cực hữu trong khu vực công khai bày tỏ quan điểm và áp dụng chính sách thù địch với Cuba). Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh về mặt kinh tế, khi mà tất cả các nước trong khu vực Caribe đều nằm trong số các quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ thảm họa toàn cầu này. Những yếu tố này tác động mạnh và trực tiếp vào những ngành kinh tế chủ chốt nhất của Cuba như hoạt động xuất khẩu dịch vụ y tế và du lịch.
Trong bối cảnh đó, tháng 7/2020, Cuba công bố “Chiến lược kinh tế và xã hội để củng cố nền kinh tế” và đặc biệt từ ngày 1/1 vừa qua đã bắt đầu tiến hành cải cách về tiền tệ, lương và giá cả, với tên gọi chính thức là “nhiệm vụ bình ổn tiền tệ”. Đây không chỉ là bước chuyển đổi phức tạp và rộng lớn nhất kể từ khi Cuba bắt đầu tiến trình “cập nhật mô hình kinh tế - xã hội” năm 2011, mà một số nhà quan sát còn coi đây là bước chuyển mình về tư duy kinh tế có ý nghĩa nhất trong vài thập niên qua. Ý nghĩa lớn của bước đi này trước hết nằm ở tính không thể đảo ngược của nó, khác với hầu hết những bước đi khá dè dặt và mang tính thử nghiệm của tiến trình “cập nhật mô hình” trước đây do áp dụng trên quy mô rộng, tác động tới hầu hết các ngành nghề và đời sống của gần như toàn bộ người dân Cuba. Thứ hai, với bước đi này, Cuba không chỉ chấp nhận mà đã áp dụng vào thực tiễn một số quy luật cơ bản của kinh tế thị trường như quan hệ cung – cầu, hiệu quả lao động – thu nhập, v.v…
Có thể nói, nếu như Đại hội VI là cột mốc định hướng con đường phát triển của cách mạng Cuba trong thời kỳ mới, Đại hội VII là sự khẳng định hướng đi đó, bắt đầu xây dựng cơ sở pháp lý và cuối cùng, cho dù có muộn hơn dự kiến, đã khởi động “con tàu” chuyển đổi kinh tế - xã hội của Cuba, thì Đại hội VIII lần này sẽ là thời điểm Đảng Cộng sản Cuba xác định tốc độ, trình tự và cường độ của những bước chuyển đổi sắp tới, để giải được bài toán then chốt nhất là nâng cao năng suất lao động hay thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước. Rất có thể câu trả lời sẽ phần nào được thể hiện trong những văn kiện được công bố sau Đại hội, đặc biệt là văn kiện cập nhật các chủ trương đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (dự kiến số lượng 274 chủ trương, đường lối được Đại hội VII thông qua sẽ giảm xuống khoảng 200).
Hoàn toàn tự quyết định vận mệnh và con đường phát triển của dân tộc chính là một trong những mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Cuba mà Đại hội Đảng VIII sắp tới sẽ là một minh chứng mới. Với lòng quả cảm, tính quật cường, tinh thần hào hiệp và sức sáng tạo không ngừng mà Đảng và nhân dân Cuba đã chứng minh trong chặng đường đấu tranh đầy gian khó nhưng cũng rất hào hùng vừa qua, gần đây nhất chính là trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, có thể tin tưởng rằng Cuba sẽ tiếp nối truyền thống và gặt hái những thành công trong giai đoạn lịch sử mới, để tiếp tục là ngọn cờ đầu, là điểm tựa tinh thần của phong trào tiến bộ Mỹ Latinh.