Ngành đồng hồ Thụy Sĩ đã có một quá khứ huy hoàng, nhưng cũng trải qua những giai đoạn đầy khó khăn, thách thức. Thụy Sĩ đạt đỉnh cao về sản xuất đồng hồ vào cuối những năm 1960, với gần 90.000 nhân công làm việc trong 1.500 doanh nghiệp. Đầu những năm 1970, sự xuất hiện của đồng hồ Quartz và sự cạnh tranh của các nhà sản xuất đồng hồ châu Á làm đảo lộn thị trường, khiến ngành chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ rơi vào khủng hoảng sâu sắc. Giữa những năm 1980, chỉ còn khoảng 30.000 người lao động làm việc trong 500 - 600 doanh nghiệp sống sót qua cơn khủng hoảng.
Vượt qua những thách thức này, ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đã khởi động lại với việc sản xuất các mẫu đồng hồ mang tính đại chúng, đặc biệt là đồng hồ Swatch, và kể từ những năm 2000, ngành đồng hồ Thụy Sĩ lại tiếp tục có những bước phát triển với việc tập trung vào phân khúc đồng hồ cao cấp, xa xỉ. Hiện tại, ngành đồng hồ chiếm 1,5% GDP Thụy Sĩ và tạo công ăn việc làm cho khoảng 60.000 người lao động.
Hai thập niên vừa qua là một trong những thời kỳ năng động nhất trong lịch sử ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, với sự bùng nổ của lĩnh vực kinh doanh đồng hồ. Theo thống kê của Liên đoàn đồng hồ Thụy Sĩ (FHS), trong quãng thời gian này, giá trị xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ đã tăng hơn gấp đôi, từ 8,4 tỷ franc năm 1998 lên 19,9 tỷ franc trong năm ngoái.
Theo đánh giá của nhà sử học chuyên về lịch sử ngành đồng hồ Pierre-Yves Donzé, sau khi trải qua khủng hoảng, từ những năm 1990 đến nay, ngành đồng hồ chứng kiến “sự lên ngôi" của các sản phẩm đồng hồ hạng sang. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc, những thay đổi cơ cấu quan trọng cả trong sản xuất và phân phối, cùng sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn, công ty đa quốc gia kinh doanh hàng xa xỉ, được cho là những yếu tố góp phần củng cố vị thế của ngành đồng hồ Thụy Sĩ.
Từ cuối những năm 1990, đa số các tên tuổi của ngành đồng hồ Thụy Sĩ chịu ảnh hưởng của trào lưu phát triển các công ty đa quốc gia này. Chẳng hạn LVMH mua lại thương hiệu đồng hồ TAG Heuer, Zenith, Ebel và Chaumet vào năm 1999. Năm 1996, tập đoàn Vendôme Luxury Group, với các thương hiệu Cartier, Baume & Mercier, Piaget ... mua lại Vacheron Constantin và năm 2000, tập đoàn này với tên gọi mới Richemont được bổ sung thêm các thương hiệu Jaeger-LeCoultre, IWC Schaffhausen và A. Lange & Söhne ...
Doanh nghiệp vi điện tử và đồng hồ (SMH) - đổi tên thành tập đoàn Swatch vào năm 1998 - đã sở hữu một số thương hiệu, trong đó có những tên tuổi lớn như Longines, Omega hay Tissot và phát triển lên hàng hóa phân khúc cao cấp. Swatch mua lại các thương hiệu Breguet vào năm 1999, Jaquet Droz (2000), Glasshütte Original (2000) ...
Bên cạnh đó, các sản phẩm đồng hồ cũng có những chuyển đổi quan trọng. Tất cả các thương hiệu đều trở lại sản xuất đồng hồ cơ, với giá trị cao hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn. Đồng hồ cơ được ưa thích, trở thành xu hướng thời trang với những giá trị về tính lịch sử, truyền thống, chân thực, sự quyến rũ của bộ máy cơ lên dây bằng tay hay lên dây tự động là những yếu tố mà chiếc đồng hồ Quartz vận hành đơn giản với một viên pin không thể so sánh được. Một bước ngoặt được ghi nhận trong năm 2001, khi Thụy Sĩ xuất khẩu trở lại nhiều đồng hồ cơ hơn so với đồng hồ điện tử nếu xét về giá trị.
Sự trở lại với những giá trị về "tính chân thực" và "truyền thống" thúc đẩy các doanh nghiệp tư duy lại quan niệm về nghề sản xuất đồng hồ. Cho đến lúc bấy giờ, tập đoàn Swatch sản xuất các bộ phận cấu thành và bộ máy, cung cấp cho tất cả các thương hiệu đồng hồ của Thụy Sĩ. Ngoài tập đoàn Swatch và hãng Jaeger-LeCoultre nổi tiếng với truyền thống 180 năm tồn tại và phát triển ra, lúc bấy giờ chẳng có nhà máy nào sản xuất toàn bộ từ A đến Z các bộ phận cấu thành của đồng hồ. Những hãng còn lại chỉ làm công việc lắp ráp các bộ phận và hoàn thiện sản phẩm.
Năm 2002, tập đoàn Swatch tuyên bố chấm dứt việc cung cấp các bộ phận cấu thành của đồng hồ cho các khách hàng kể từ đầu năm 2006. Tuyên bố của Swatch khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành đồng hồ lúc đó đang sống nhờ việc lắp ráp đồng hồ hết sức lo ngại, đồng thời thúc đẩy các hãng lớn đầu tư mạnh vào việc trang bị máy móc, xây dựng nhà máy để tự sản xuất. Thực tế này tác động trực tiếp đến thị trường lao động. So với thời kỳ trì trệ cuối những năm 1990, do ảnh hưởng của “cuộc khủng hoảng mang tên Quartz”, số lượng nhân công trong ngành đồng hồ lúc ấy là 33.000; nhưng từ đầu những năm 2000, số lượng nhân công tham gia sản xuất đồng hồ dần tăng và hiện nay đạt mức 60.000 người.
Không chỉ số lượng nhân công trong ngành đồng hồ, giá bán của các sản phẩm cũng gia tăng. Trung bình, giá xuất khẩu (rẻ hơn khoảng 2,5 lần so với giá bán trong các cửa hiệu) tăng từ 1.350 franc vào năm 1998 lên mức 2.100 năm ngoái. Đồng thời, ngành đồng hồ cũng chứng kiến sự ra đời của những thương hiệu thời trang mới, như Daniel Wellington, thành lập năm 2011 hay đồng hồ thông minh smartwatches Apple Watch được phát hành vào năm 2015. Thời gian trôi chảy không ngừng, thôi thúc các nhà sản xuất luôn đổi mới, sáng tạo mẫu mã và kỹ thuật để vượt qua khủng hoảng, đối mặt với cạnh tranh, và luôn đồng hành cùng thời gian.
Sự xuất hiện của Internet đang tác động đến việc phân phối các sản phẩm đồng hồ, dù các nhà sản xuất đồng hồ truyền thống còn cần thời gian để chuyển sang thương mại điện tử. Tuy nhiên, ngay cả khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng muốn thực hiện các giao dịch trực tuyến, thậm chí là với các hàng hóa xa xỉ, các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ khẳng định vẫn cần duy trì hình thức bán hàng truyền thống, đảm bảo dịch vụ bảo hành, sửa chữa gần gũi về mặt địa lý với khách hàng. Đồng hồ Thụy Sĩ là các sản phẩm được bảo dưỡng và sửa chữa chứ không phải đồ bỏ đi.
Cuối cùng, các nhà sản xuất đồng hồ ý thức rằng các sản phẩm phải đủ hấp dẫn để người tiêu dùng mua đồng hồ Thụy Sĩ, ngay cả khi mọi người chẳng cần sở hữu một chiếc đồng hồ để xem giờ nữa. Và đó chính là một thách thức luôn tồn tại đối với các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ.
Bài 2: Vòng quay không nghỉ ở La Chaux de Fonds