Cuộc sống vĩnh viễn kết thúc ở tuổi lên ba. Bức ảnh chụp thi thể em bé Syria đã ngay lập tức khiến cả thế giới chết lặng, khiến người ta thay đổi hẳn cái nhìn về cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Bé Aylan chết đuối khi chiếc thuyền chở bố mẹ và anh trai 5 tuổi cùng nhiều người di cư Syria bị lật khi trên đường vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Kos của Hy Lạp. Anh trai và mẹ của Aylan cũng thiệt mạng. Số phận của Aylan nói riêng và gia đình em nói chung đã nói lên mức độ tàn khốc của cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Đó cũng là số phận của hơn 2.500 người trong số hàng trăm nghìn người dân Trung Đông mạo hiểm vượt biển tới châu Âu.
Ngay sau khi được phóng viên ảnh Nilufer Demir người Thổ Nhĩ Kỳ chụp và chia sẻ lên mạng xã hội, bức ảnh đã khiến dư luận thế giới quặn lòng trước hình ảnh một nạn nhân vô tội của chiến tranh, loạn lạc. Bức ảnh khiến những ai còn thờ ơ với cuộc khủng hoảng di cư trở nên quan tâm tâm hơn, khiến những chính trị gia châu Âu khăng khăng chính sách cứng rắn đối với người di cư cũng phải hổ thẹn và mềm lòng. Phóng viên Demir cho biết máu cô như đông cứng lại khi nhìn thấy cậu bé và “điều duy nhất tôi có thể làm là để cho thế giới nghe thấy tiếng thét của cậu bé. Tôi hi vọng có điều gì đó thay đổi sau ngày hôm nay”.
Ông Patty Rhule, giám đốc bảo tàng báo chí Newseum ở Washington, nhận xét: “Thông thường các báo đều không đưa lên trang nhất bức ảnh một thi thể. Nhưng bức ảnh này lại khác. Nó không ghê rợn nhưng nó có sức mạnh đặc biệt và gây tác động lớn”. Việc báo chí quyết định đăng bức ảnh đã khiến giới chính trị gia khó ngoảnh mặt quay đi mà không phải dừng lại và suy nghĩ xem chính sách di cư hiện nay ảnh hưởng tới số phận con người như thế nào.
Ông Rick Shaw, giám đốc tổ chức quốc tế Bức ảnh của năm chuyên nghiên cứu và chia sẻ các bức ảnh biểu tượng về các vấn đề xã hội, nói: “Hình ảnh này sẽ thay đổi quan điểm của dư luận. Nó chạm đến trái tim bạn và khiến nó thổn thức. Nó chạm đến phần dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta”. Nói về góc độ tâm lý, hình ảnh trẻ em có thể giúp xóa nhòa khoảng cách tâm lý giữa độc giả với các chủ đề xa lạ bị ngăn cách bởi sự khác biệt văn hóa.
Hai ngày sau khi bức ảnh xuất hiện, Thủ tướng Anh David Cameron đã thông báo nước Anh sẽ tiếp nhận thêm hàng nghìn người tị nạn Syria. Đây là một sự thay đổi 180 độ của ông Cameron – người vừa mới mấy ngày trước đó tuyên bố Anh không thể tiếp nhận thêm người tị nạn. Ông nói: “Bất kỳ ai nhìn thấy những bức ảnh này không thể không cảm động. Là một người cha, tôi cảm thấy xúc động sâu sắc trước hình ảnh cậu bé trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đó. Nước Anh là một nước có đạo đức và chúng ta sẽ thực hiện trách nhiệm đạo đức của mình”. Không chỉ ông Cameron, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ của ông cũng cùng quan điểm, bà Nadhim Zahawi viết: “Bức ảnh này khiến chúng ta xấu hổ. Chúng ta đã thất bại ở Syria. Tôi xin lỗi thiên thần bé nhỏ, hãy yên nghỉ”.
Ngay cả tờ Sun - tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất Anh và từng bị chỉ trích vì ví người di cư là những con gián - cũng đăng bức ảnh chụp thi thể cậu bé được đưa đi đồng thời kêu gọi Thủ tướng Cameron hành động. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng ghê gớm về mặt cảm xúc của bức ảnh cậu bé Aylan.
Đến nay, Anh mới cho 5.000 người Syria tị nạn từ năm 2011. Ngoài ra, Anh chỉ tiếp nhận 216 người Syria theo một chương trình đặc biệt của Liên hợp quốc. Con số đó là vô cùng ít ỏi so với các nước láng giềng của Syria hay một số nước EU khác.
Đối với Canada - đất nước mà gia đình bé Aylan muốn xin tị nạn nhưng không được, trọng tâm của chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử quốc gia sắp tới ngay lập tức chuyển sang vấn đề phản ứng của Canada với khủng hoảng di cư. Thủ tướng Stephen Harper bảo vệ chính sách của chính phủ về vấn đề người tị nạn và cam kết thực hiện nhiều hơn để hỗ trợ họ. Thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định hình ảnh cậu bé Aylan cho thấy châu Âu vốn đang bị chia rẽ sâu sắc về khủng hoảng di cư phải hành động khẩn cấp.
Trước bức ảnh “em bé Syria”, một số bức ảnh khác về trẻ em cũng đã góp phần thay đổi thế giới. Một trong số đó là bức ảnh “Em bé napalm” của phóng viên ảnh Nick Út - người giành giải Pulitzer với bức ảnh chụp một em bé Việt Nam 9 tuổi bị bỏng do bom napalm của Mỹ thả ở Việt Nam. Bức ảnh ngay lập tức gây chấn động thế giới và làm bùng nổ một loạt cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam ở nhiều nước.
Lẽ ra, châu Âu phải tận dụng thời gian để giải quyết khẩn trương khủng hoảng di cư khi cuộc khủng hoảng chưa trở nên tồi tệ thay vì mất thời gian tranh cãi, cò kè bớt một thêm hai số lượng người di cư mình sẽ tiếp nhận. Có thể nói “em bé Syria” đã khiến thế giới phải nhìn lại mình và hi vọng họ sẽ hành động để tránh có thêm nhiều “em bé Syria” hay “em bé napalm” trong tương lai.