Trong tiếng Trung Quốc, “hổ giấy” là cụm từ dùng để chỉ một ai đó nhìn bề ngoài có vẻ rất mạnh, nhưng thực ra lại là yếu.Trên giấy tờ, so sánh thực lực quân sự giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga tưởng như như không mấy ăn khớp. Lấy ví dụ về ngân sách quốc phòng: NATO tiêu tốn khoản tiền 950 tỉ USD, gấp hơn 10 lần nước Nga 90 tỉ USD/năm. Về binh lực, quân số thực của NATO lên đến 3,5 triệu quân, trong khi của Nga chỉ có 766.000 quân. Thế nhưng thực chất liệu có phải như vậy? Hãy nhớ đến Ukraine: Tại thời điểm tháng 2/2014, nước này vẫn được đánh giá là có quân đội lớn hàng thứ 6 thế giới. Trong thực tế thì sao? Đạo quân đó đã không thể khuất phục được lực lượng dân phòng Donetsk.
Nhìn tổng thể, 28 nước thành viên NATO có tổng dân số 888 triệu người, với khoảng 3,9 triệu quân, hơn 6.000 máy bay, 3.600 trực thăng, 17.800 xe tăng; 62.600 xe thiết giáp, 15.000 khẩu pháo, 16.000 đơn vị súng cối, 2.600 giàn tên lửa phóng loạt và 302 tàu chiến các loại. Điểm đánh lừa dư luận là ở chỗ: Con số trên nhiều hơn con số thực có của NATO, do có sự mập mờ về cách tính.
Binh sĩ NATO tham gia một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters |
Lực lượng vũ trang các nước thành viên thường được tính gộp lại, bỏ qua một thực tế là nhiều nước đã rút khỏi cấu trúc quân sự NATO, ví dụ như Pháp, hoặc là việc một số quân đoàn thì chỉ duy chỉ cơ cấu khung về danh nghĩa. Không những vậy, số lượng vũ khí này cũng bao gồm tất cả các loại bị xếp xó, đặt trong các kho chứa. Ukraine từng có đến 2.500 xe tăng các loại, khi nhưng Kiev phát động chiến dịch quân sự ở miền Đông, chỉ có 600 chiếc có thể tác chiến, số còn lại đều vô dụng.
Nhiều sự thật gây sốc khác cũng lộ diện khi đi vào xem xét cụ thể. Trên danh nghĩa, NATO có 55.600 xe chiến đấu bọc thép (đã trừ 6.400 chiếc của Pháp) các loại. Trong đó có 23.500 chiếc của Mỹ, với 20.000 chiếc là cất trữ dài hạn. 11.500 chiếc chủ lực còn lại thì tập trung chủ yếu trong quân đội những nước mà quy mô quân số dưới 100.000 quân và đa phần cũng đều nằm trong kho. Ví dụ, Bulgaria có 362 xe tăng, 1.596 bọc thép có nguồn gốc từ thời Khối Vacsava; Cộng hòa Séc cũng vậy, 175 xe tăng và 1.013 thiết giáp đều có tuổi đời quá già. Thiếu nguồn phụ tùng thay thế, bảo dưỡng vì thế đã làm cho số lượng xe tăng của NATO “hụt” đi khoảng 4.450 chiếc. Trong 13.350 chiếc còn lại thì cũng chỉ có được một nửa là có khả năng tác chiến được, nửa còn lại thì cất giữ trong kho, mà khi cần thì phải mất rất nhiều thời gian mới có thể vận hành được.
Thực tế trên chiến trường Ukraine còn đưa tới một bài học khác. Sức mạnh quân đội không phải là phép tính cộng giản đơn quân số, súng đạn, xe tăng, thiết giáp. Hơn tất cả là yếu tố tổ chức lực lượng. Không phải tất cả quân số các nước thành viên thì đều là quân của NATO, chỉ 1/3 trong số này mà thôi. 1/3 lực lượng này thì lại được phân bổ theo các tiêu chí khác nhau. 15% là lực lượng phản ứng nhanh, có thể tác chiến sau 7 ngày nhận được lệnh. 25% là lực lượng sẵn sàng chiến đấu, có thể triển khai sau 3 – 4 tháng. 60% còn lại là các đơn vị mà việc tác chiến trên chiến trường có thể phải mất đến cả năm trời chuẩn bị.
Nhiều thay đổi sâu sắc đã xảy đến với NATO trong hơn 15 năm qua. 9.500 xe tăng, 5.700 xe bọc thép, thiết giáp chở quân, 2.600 hệ thống pháo cùng với 300 máy bay chiến đấu của Mỹ đã không còn hiện diện ở Đức như thời Chiến tranh Lạnh. Bằng nhiều ngôn từ khác nhau, Brussels nhiều lần thừa nhận rằng nguồn lực của Liên minh quân sự này chỉ đủ để thực hiện hai loại sứ mệnh: Can dự hạn chế trong các chiến dịch cứu trợ nhân đạo và mở các chiến dịch bao vây nhằm vào một nước nào đó yếu hơn, chứ không phải nước Nga.
Nó cũng giúp trả lời câu hỏi: Tại sao Mỹ NATO đã hứa hẹn quá nhiều những điều tốt đẹp đối với Ukraine để rồi chính Kiev phải tự chiến đấu trên đôi chân của mình. Đơn giản, NATO giờ chỉ là hổ giấy, sức mạnh chỉ trên giấy tờ. Liệu liên minh này có thể khôi phục được quyền lực quân sự như trước kia? Điều đó có thể xảy ra, nhưng chỉ khi mức sống tại châu Âu tăng lên 20-25%.
Hoài Thanh (
Theo Ukraina.ru)