Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ châu Á nắm giữ lượng tổng tài sản lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Bắc Mỹ.
Sức mạnh tài chính gia tăng kỷ lục
Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản trích dẫn kết quả phân tích của hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho biết phụ nữ châu Á sẽ nắm giữ khối tài sản trị giá 27.000 tỷ USD vào năm 2026, nhiều hơn 6.000 tỷ USD so với phụ nữ ở Tây Âu. Đáng chú ý, tổng tài sản của phái nữ ở châu Á đã chính thức vượt qua tài sản của phái nữ ở vùng Tây Âu từ cuối năm 2021.
Bà Jenny Wang, chuyên gia cấp cao tại ngân hàng đầu tư HSBC, nhận xét: “Những người phụ nữ giàu có ở châu Á đang trở nên hiểu biết hơn về tài chính, tự tin và tích cực hơn trong các khoản đầu tư, cũng như biết cách quản lý và gia tăng tài sản hơn bao giờ hết”. Bà cho biết số lượng phụ nữ thuộc nhóm này ở châu Á đã tăng 14% kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Kể từ năm 2019 đến nay, phụ nữ châu Á đã đều đặn gia tăng thêm 2.000 tỷ USD vào khối tài sản chung mỗi năm. Dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này tiếp tục duy trì trong 4 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 10,6%.
Đáng chú ý, số lượng nữ tỷ phú ở châu Á đã tăng từ 13 người vào năm 2010 lên 92 người vào năm 2022. Theo số liệu của tạp chí Forbes tính đến ngày 15/12/2022, “bà trùm” ngành kim loại và khoáng sản người Ấn Độ Savitri Jindal (72 tuổi) là nữ doanh nhân giàu có nhất châu Á, sở hữu 17,6 tỷ USD.
Lần lượt sau đó là bà Kwong Siu-hing, người Trung Quốc (14 tỷ USD) và bà Wu Yajun, người Trung Quốc (11,7 tỷ USD). Bà Savitri hiện giữ chức Chủ tịch Tập đoàn O.P. Jindal, nhà sản xuất thép lớn thứ ba tại Ấn Độ. Doanh thu của tập đoàn này đã tăng gấp bốn lần kể từ khi bà đảm nhiệm quyền điều hành thay người chồng quá cố từ năm 2005 đến nay. Người phụ nữ giàu có thứ hai châu Á hiện nay, bà Kwong Siu-hing là chủ sở hữu tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Hong Kong mang tên SHK Properties. Tính đến năm 2008, Kwong kiểm soát khoảng 41,53% cổ phần của SHK Properties thông qua quỹ ủy thác của gia đình, vì vậy bà được coi là cổ đông lớn nhất của công ty.
Trong khi đó, doanh nhân ngành bất động sản Wu Yajun từng hai lần giữ danh hiệu nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới. Với xuất thân khiêm tốn, bà từng làm nhà báo và biên tập viên trước khi chuyển sang lĩnh vực bất động sản vào những năm 1990, sau đó đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Uber và Evernote. Hiện bà là nhà đồng sáng lập, chủ tịch, kiêm cựu giám đốc điều hành của tập đoàn Longfor Properties.
Mặc dù, nam giới tiếp tục dẫn đầu về giá trị của cải trên thế giới, nhưng phụ nữ, đặc biệt là ở châu Á, đang trở nên giàu có nhanh hơn nam giới. Theo thống kê của ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS, tài sản của phụ nữ đã tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8,2% trong giai đoạn 2016 đến 2020, so với 5,9% của nam giới. Điều này làm giảm khoảng cách về giới trong tỷ lệ tài sản toàn cầu khi các nhà đầu tư nữ chiếm 33% vào năm 2020, nhiều hơn so với tỷ lệ 31% vào năm 2016.
Nghiên cứu của UBS cũng dự báo tài sản của phụ nữ sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở nhanh hơn tài sản của nam giới trong vòng ba năm tới và tăng trưởng đó rõ rệt nhất ở châu Á. Đến năm 2025, phụ nữ châu Á sẽ chiếm 34,4% tài sản của khu vực, xấp xỉ mức 35% của phụ nữ ở Mỹ và châu Âu.
Bước chân vào những ngành "cấm kị"
Không chỉ gia tăng về giá trị tài sản, nhiều người phụ nữ châu Á đã dũng cảm phá rào cản định kiến, tạo ra những tiền lệ đầu tiên để bước chân vào các ngành nghề xưa nay chỉ dành cho đàn ông. Từ phi công lái máy bay chiến đấu đến vận động chuyên nghiệp và kỹ sư công nghệ chip, phái yếu đang
dần khẳng định họ không hề yếu thế trong những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao.
Ví dụ như Suwapich “Windy” Wongwiriyawanich - nữ phi công đầu tiên của hãng hàng không Thái Lan Thai Air Asia X. Ngồi trong buồng lái ở giữa những đám mây, Windy tự tin khẳng định: “Đây là nơi tôi nên ngồi. Ở phía trước máy bay, chứ không phải ở mãi đằng sau”. Hai thập kỷ trôi qua, cơ trưởng Windy vẫn khiến hành khách không khỏi ngạc nhiên khi giọng nói của bà phát ra từ loa máy bay, vốn thường chỉ có giọng của các nam phi công. Phó Giáo sư Hue-Tam Jamme tại Đại học bang Arizona nhận định: “Lao động nữ, dù làm việc trực tuyến hay ngoại tuyến, nếu được gia đình hỗ trợ thì sẽ có cơ hội linh hoạt hơn để làm việc nhiều giờ hơn, cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh”.
Là một ví dụ hiển hình, đại úy Jul Laiza C. Beran, nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Lực lượng Không quân Philippines, sẽ được bảo mẫu và nhà chồng hỗ trợ khi cô sinh con vào năm tới. Sau khi nghỉ sinh, cô sẽ cần phải đào tạo lại, thực hiện các chuyến bay với người hướng dẫn và giữ gìn sức khỏe cho công việc đòi hỏi thể chất cường độ cao này. “Tôi muốn đi trên con đường mà người phụ nữ ít đi để chứng minh rằng phụ nữ có thể trở thành phi công sẵn sàng chiến đấu và lái máy bay tàng hình của đàn ông”, cô nói.
Với bà Nivedita Bhasin, trước đây, khi các quy định về quyền thai sản của người lao động còn hạn chế, bà đã chịu nhiều thiệt thòi khi phải quay trở lại làm việc lúc con mới 6 tuần tuổi. Thời đi học, ở New Delhi, bà thích nhìn ra ngoài cửa sổ lớp, mơ mộng mình đang lái máy bay trên trời. Một ngày, người giáo viên ném viên phấn về phía bà và nói lớn: “Em sẽ chỉ nhận được điểm 0 nếu cứ nhìn ra cửa sổ như vậy”. 13 năm sau, tức năm 1989, cơ trưởng Bashin trở thành người phụ nữ trẻ tuổi nhất thế giới điều khiển một máy bay thương mại. Lúc đó, bà mới 26 tuổi. “Hóa ra định mệnh của tôi là phải nhìn qua cửa sổ. Đó là nghề của tôi, cách tôi kiếm tiền”, bà chia sẻ. Tại thời điểm đó, hãng hàng không của bà không có quy định về việc phi công mang thai và sinh con. Bà cũng là nữ phi công đầu tiên ở Ấn Độ từng sinh con.
Ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) gần đây cũng ghi nhận tài năng không thể phủ nhận của các đại diện phái đẹp. Khi các công ty sản xuất chip hàng đầu từ TSMC cho đến Qualcomm muốn biết mạch tích hợp của họ gặp vấn đề gì, họ sẽ gọi cho tiến sĩ Hsieh Yong-Fen. Bà là nữ tiến sĩ đầu tiên của Đài Loan (Trung Quốc) về ngành khoa học vật liệu và kỹ thuật. Bà đã lập ra công ty MA-tek chuyên chẩn đoán các vấn đề trong nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip. “Tại công ty của tôi, không có khuôn mẫu và rào cản giới tính nào tồn tại”, tiến sĩ Hsieh cho biết. Gần 30% kỹ sư của MA-tek là phụ nữ, một tỷ lệ ấn tượng trong ngành mà lâu nay người phụ nữ luôn phấn đấu vượt bậc để đạt được sự bình đẳng.