Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sa sút ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động khai thác tài nguyên năm nay, Balikpapan - "thủ đô than đá" của Indonesia - vẫn đang xúc tiến các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng có một phần vốn đầu tư của Trung Quốc.
Từng là một làng chài yên ả, Balikpapan hiện đã có đủ điều kiện để cạnh tranh với thủ đô Giacácta, khi sự bùng nổ giá hàng hóa trong thập niên qua đã biến Balikpapan thành "đại bản doanh" của các công ty địa phương và quốc tế khai thác than và vàng ở tỉnh East Kalimantan.
Giá than đá trên thị trường thế giới năm nay giảm gần 30% đã khiến nhiều mỏ than tại tỉnh này phải đóng cửa và hoạt động sản xuất sụt giảm. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu than đá từ East Kalimantan, nơi sở hữu khoảng 2/5 trữ lượng than đá của Indonesia, đã khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân và chính quyền địa phương duy trì luồng vốn trị giá hàng triệu USD đổ vào Balikpapan.
Trong năm 2011, Trung Quốc - nước "ngốn" nhiều năng lượng nhất thế giới - đã nhập khẩu gần 65 triệu tấn than đá từ Indonesia, tăng hơn 18% so với năm 2011. Trong 8 tháng đầu năm nay, lượng than đá nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 17%, bất chấp tình trạng nền kinh tế “ốm yếu” làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các khoáng sản.
Trong kế hoạch tổng thể nhằm đưa Indonesia vào nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2025, chính phủ nước này dự kiến đầu tư gần 700.000 tỷ rupiah (73 tỷ USD) với mục đích biến East Kalimantan thành trung tâm khai mỏ và sản xuất khoáng sản.
Indonesia - nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới - đang ưu tiên nâng cấp mạng lưới vận chuyển nhiên liệu này. Hiện phần lớn than được chuyển từ các mỏ ở East Kalimantan qua hệ thống xà lan để qua sông, khiến hoạt động giao hàng khối lượng lớn bị chậm và có rủi ro nếu xảy ra thảm họa tự nhiên. Trước những thách thức về mặt hậu cần, Balikpapan đang thúc đẩy xây dựng hệ thống đường cao tốc, xe lửa, cảng và tổ hợp công nghiệp để duy trì tốc độ tăng trưởng trong dài hạn.
Với mức sản xuất than đá hiện khoảng 240 triệu tấn/năm, "tuổi thọ" khai thác của East Kalimantan (có trữ lượng 8,5 tỷ tấn) sẽ kéo dài được trên 35 năm. Trữ lượng than đá của Indonesia khoảng 21 tỷ tấn, chiếm gần 3% trữ lượng toàn cầu. East Kalimantan cũng là nơi "đóng đô" của mỏ than lớn nhất thuộc "đại gia" sản xuất than đá Indonesia Bumi Resources.
Theo nghiên cứu mới đây của trường Đại học quốc gia Xinhgapo, East Kalimantan đứng thứ tư trong số 33 tỉnh của Indonesia về phát triển cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống. Theo thống kê của chính phủ Xinhgapo, dân số ở đây đã tăng thêm hơn 1/3 kể từ năm 2005 lên khoảng 700.000 người. Giá thuê nhà ở (có diện tích lớn) dao động từ 1.350-1.800 USD/tháng (tương đương ở Giacácta), trong khi số học sinh dự tuyển vào trường quốc tế Raffles trong năm học 2013 tăng 70%. Doanh số bán xe máy Vesapo - một dòng xe xa xỉ - cũng tăng mạnh.
Các chuyên gia phân tích nhận định, mặc dù Hiệp hội khai thác than đá Indonesia đã điều chỉnh giảm dự báo về sản lượng năm 2012 từ con số 390 triệu tấn đưa ra ban đầu xuống 340 - 350 triệu tấn, nhưng East Kalimantan và Balikpapan vẫn sẽ tiếp tục thu hút đầu tư khi sức tiêu thụ nguồn lực này dự kiến vẫn mạnh trong thời gian dài hạn.
TKT