Trong tuyên bố, quyền Bộ trưởng Thủy lợi và Nguồn nước Sudan Daw Al-Bait Abdul-Rahman cho rằng quyết định đơn phương bắt đầu vận hành GERD của Ethiopia đã vi phạm Tuyên bố Nguyên tắc (DoP) được ký giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia vào năm 2015. Trước khi triển khai hành động, phía Ethiopia cần cung cấp đủ thông tin cho các bên còn lại như lưu lượng nước sẽ thoát ra từ sau đập, để biết liệu các hồ chứa của Sudan có khả năng tiếp nhận nhằm thực thi các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Quan chức này nhấn mạnh Ethiopia chưa từng thông báo cho Sudan về việc bắt đầu sản xuất điện năng, coi đây là hành động đơn phương không thể chấp nhận được dù vì lý do gì. Bên cạnh đó, quyền Bộ trưởng Abdul-Rahman cũng nêu bật tầm quan trọng của việc tất cả các bên đàm phán nhằm đạt được tầm nhìn chung về GERD.
Cuối tuần qua, Ethiopia đã bắt đầu sản xuất điện năng từ GERD trên sông Nile, đánh dấu một cột mốc quan trọng với dự án thủy điện trị giá nhiều tỷ USD nhưng gây không ít tranh cãi này. Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 20/2 ra tuyên bố cho rằng hành động trên đã vi phạm DoP và được Ethiopia công bố “đơn phương” giống như những gì nước này đã thực hiện trong các đợt tích trữ nước cho GERD vào năm 2020 và 2021.
GERD sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động đầy đủ sẽ là đập thủy điện lớn nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, dự án này đã trở thành tâm điểm tranh cãi của các nước trong khu vực suốt từ khi khởi công vào năm 2011. Các nước láng giềng của Ethiopia ở hạ nguồn sông Nile, gồm Ai Cập và Sudan, đều lo ngại dự án này gây nguy cơ đe dọa nguồn nước sông Nile, nguồn cung nước quan trọng cho các nước này. Tháng 3/2015, Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã ký DoP nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng GERD, theo đó Cairo và Khartoum đồng ý để Addis Ababa xây dựng con đập, đổi lấy cam kết từ Ethiopia không gây ra bất kỳ thiệt hại nào đối với các nước hạ nguồn sông Nile.