Hội đồng lãnh đạo hỗn hợp sẽ bao gồm 6 thường dân và 5 đại diện quân sự. Cơ quan này sẽ thay thế TMC để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp. Đứng đầu hội đồng, trong 21 tháng đầu tiên, sẽ là 1 tướng lĩnh của quân đội và trong 18 tháng còn lại là một đại diện dân sự.
Hôm 15/8, Liên minh vì Tự do và Thay đổi (FFC) đối lập tại Sudan đã tuyên bố đề cử ông Abdalla Hamdoc, cựu quan chức cấp cao của Liên hợp quốc làm Thủ tướng đầu tiên của Chính phủ trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm. Ông Hamdoc sẽ chính thức nhậm chức ngày 20/8 tới. Ngày 17/8, trước sự chứng kiến của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng các nước, tại thủ đô Khartoum, Phó Chủ tịch TMC, Tướng Hamdan Daglo và ông Ahmed al-Rabie - đại diện cho FFC, đã cùng đặt bút ký vào "Tuyên bố Hiến pháp". Tuyên bố này được xây dựng dựa trên thỏa thuận then chốt về chia sẻ quyền lực mà hai bên đạt được ngày 17/7 và hướng tới một hội đồng lãnh đạo hỗn hợp bao gồm các đại diện quân sự và dân sự để giám sát việc thành lập một chính phủ dân sự và một quốc hội điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm.
Tuyên bố Hiến pháp là cơ sở để xác định quyền hạn của các cơ quan, gồm hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, hội đồng bộ trưởng và hội đồng lập pháp trong giai đoạn chuyển tiếp. Văn kiện này cũng quy định lực lượng vũ trang Sudan và các lực lượng hỗ trợ nhanh nằm dưới quyền chỉ huy của quân đội - là một bộ phận của hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, trong khi lực lượng cảnh sát và cơ quan tình báo sẽ chịu sự giám sát của cả hội đồng lãnh đạo hỗn hợp và hội đồng bộ trưởng.
Ngoài ra, tuyên bố cũng đề cập việc thành lập hội đồng lập pháp với 67% số ghế là thành viên của FFC, số ghế còn lại dành cho các đảng đối lập khác.