Sudan thông báo cử phái đoàn tới Mỹ nhằm vận động xóa bỏ cấm vận

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Sudan thông báo sẽ cử phái đoàn tới Mỹ nhằm vận động Washington đưa Khartoum ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố (STT).

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia ngày 21/4, Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC), Tướng Abdel Fattah al-Burhan cho biết phái đoàn của Sudan có thể tới Mỹ trong “tuần này hoặc tuần tới để thảo luận” vấn đề trên.

Sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ ngày 11/4 vừa qua, các quan chức Mỹ đã ca ngợi việc người đứng đầu Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan thả các tù nhân chính trị ở nước này. Ngày 18/4, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ gửi phái viên đến Khartoum nhằm thúc đẩy sự chuyển giao chính quyền từ quân đội sang dân sự tại Sudan.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: heightline.com

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết nước này sẽ xem xét “điều chỉnh các chính sách dựa trên đánh giá về các sự kiện” và việc Sudan thuộc danh sách các nước tài trợ khủng bố “vẫn còn hiệu lực và các cuộc thảo luận giai đoạn II đang bị đình chỉ”. Theo bà Ortagus, ý chí của người dân Sudan rất rõ ràng, rằng đã đến lúc tiến tới một chính phủ chuyển tiếp tôn trọng nhân quyền và luật pháp.

Phía Mỹ cho biết dù chính phủ nào nắm quyền ở Sudan cũng phải thể hiện cam kết sẽ không tiếp tục hỗ trợ các hoạt động khủng bố quốc tế hiện nay và trong tương lai. Mỹ chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào trong Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan nằm trong danh sách cấm vận của Liên hợp quốc hoặc Mỹ.

Năm 1993, Chính phủ Mỹ đưa Sudan vào danh sách các nước tài trợ khủng bố với cáo buộc rằng chính quyền của cựu Tổng thống Omar al-Bashir lúc đó đang ủng hộ khủng bố quốc tế, như tài trợ cho các tổ chức Hamas và Hezbollah. Quyết định của Mỹ khiến Sudan không thể đàm phán xóa nợ, không thể tìm nguồn hỗ trợ tài chính từ các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cũng như các hỗ trợ khác vốn đang rất cần thiết đối với nước này. Năm 2017, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 20 năm đối với Sudan, nhưng Sudan vẫn thuộc danh sách STT cùng với các nước Iran, Syria và Triều Tiên.

Nền kinh tế Sudan gặp khó khăn nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt, tình trạng tham nhũng và quản lý kém hiệu quả. Năm 2018, giá tiêu dùng tăng tới 73%, trong bối cảnh xảy ra tình trạng khan hiếm tiền mặt và một số hàng hóa thiết yếu như bánh mì, xăng dầu.

Đình Lượng (TTXVN)
Tại Nam Sudan, bệnh tật cũng gây chết chóc kinh hoàng như chiến tranh
Tại Nam Sudan, bệnh tật cũng gây chết chóc kinh hoàng như chiến tranh

Vào thời điểm được đưa vào một phòng khám tại khu vực hẻo lánh phía Đông Bắc Nam Sudan, cậu bé Nyachoat hai tuổi lên cơn co giật vì căn bệnh sốt rét tấn công não.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN