Nhiều trẻ em tại dải đất ven biển này đã rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng do thiếu thực phẩm suốt thời gian dài.
Văn phòng truyền thông của chính quyền Hamas cho biết ít nhất 32 người, trong đó có nhiều trẻ em, đã tử vong vì suy dinh dưỡng ở Gaza kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10/2023 sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel. Theo số liệu thống kê chính thức của Israel, cuộc tấn công này của Hamas đã khiến 1.189 người ở Israel thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Trong khi đó, cơ quan y tế tại Gaza cho biết chiến dịch quân sự đáp trả của Israel đã cướp đi sinh mạng của 36.439 người tại vùng lãnh thổ này, trong đó chủ yếu là dân thường.
Các cơ quan viện trợ cảnh báo rằng tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn đối với trẻ em tại Dải Gaza. Trong một báo cáo ngày 1/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hơn 4/5 số trẻ em tại Gaza không có gì để ăn trong suốt 72 giờ.
Bà Margaret Harris - người phát ngôn của WHO - nhận định: “Trẻ em (tại Gaza) đang chết dần vì đói”. Trong khi đó, các cơ quan viện trợ cho biết tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng ở trẻ em tại Dải Gaza phần lớn do các nguồn hàng viện trợ nhân đạo không đến được địa điểm dự định.
Kể từ giữa tháng 1 vừa qua, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng đối với hơn 93.400 trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza. Kết quả cho thấy, có tới 7.280 trẻ trong số này bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Tình trạng suy dinh dưỡng đặc biệt phổ biến ở khu vực phía Bắc Dải Gaza, nơi nhận được rất ít viện trợ trong những tháng đầu nổ ra xung đột. Tại bệnh viện Al-Aqsa Martyrs, rất nhiều bà mẹ đang lo lắng rằng liệu các con của họ có thể cầm cự được bao lâu nhờ vào lượng thực phẩm mà bệnh viện cung cấp.
Chỉ đến những tuần gần đây, phần lớn viện trợ lương thực mới được chuyển tới thông qua các tuyến đường mới, sau khi các cơ quan viện trợ cảnh báo về nạn đói cận kề. Quân đội Israel ngày 2/6 cho biết tổng cộng 1.858 xe tải chở hàng viện trợ đã tới Gaza trong tuần này thông qua các cửa khẩu Kerem Shalom và Erez West, trong đó có 764 xe từ Ai Cập.
Ông Hazem Mostafa - bác sĩ nhi khoa tại bệnh viện Al-Aqsa Martyrs - cho rằng việc đóng cửa cửa khẩu Rafah ở phía Nam Dải Gaza đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cửa khẩu này là tuyến đường chính để chuyển viện trợ từ nước láng giềng Ai Cập vào Gaza, nhưng lực lượng Israel đã giành quyền kiểm soát khu vực này ngày 7/5 vừa qua. Kể từ đó, không có hàng hóa viện trợ nào được đưa vào Gaza qua cửa khẩu này, cũng không có bệnh nhân nào được chuyển sang Ai Cập để điều trị.
Các trường hợp suy dinh dưỡng ở trẻ em tại thành phố Rafah cũng được ghi nhận trong những ngày gần đây, trong đó một số trẻ sơ sinh đang được điều trị tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ Mostafa cho biết xung đột đã cản trở việc cung cấp thực phẩm cho trẻ em, đặc biệt là sữa, dẫn đến cơ thể suy yếu nghiêm trọng, sinh trưởng rất kém và mắc nhiều bệnh tật. Hiện nơi đây cần có nguồn cung cấp sữa dồi dào để các bà mẹ có thể nuôi con khỏe mạnh.