Suy ngẫm từ vụ khủng bố ở Boston

Ba người chết, 180 người bị thương, không làm đổ nhà, gãy cầu - như vậy có thể nói vụ khủng bố đầu tuần trước ở thành phố Boston, bang Massachusetts, không phải quá kinh hoàng với người Mỹ, nhất là nếu so nó với vụ 11/9/2001 ở thành phố New York.


Vẫn biết so sánh là khập khiễng, nhất là so đổ vỡ, chết chóc ở chỗ này với mất mát ở chỗ kia, vì nó đều là tột cùng của khổ đau và bất hạnh. Thế nhưng, vẫn phải so thế để thấy:

Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom tại Boston. Ảnh AFP/TTXVN


Thứ nhất, tuy vụ Boston không lớn, nhưng lại là đòn hiểm, bởi lẽ nó xảy ra đúng vào ngày nước Mỹ tưng bừng kỷ niệm “Ngày Yêu nước” (15/4, ngày khởi nguồn cuộc cách mạng Mỹ từ Boston năm 1775), và chính giải chạy maratông quốc tế Boston được tổ chức để kỷ niệm sự kiện này, nhưng đã bị những trái bom kia phá hỏng. Nếu coi vụ 11/9 là hành động đánh vào biểu tượng của sức mạnh (kinh tế) Mỹ, thì lần này kẻ đánh bom đã tìm đến lòng yêu nước của người Mỹ, đánh vào niềm tự hào kéo dài gần 240 năm nay của họ.


Thứ hai, nếu vụ 11/9 là điều bất ngờ ngoài sức tượng tượng của nước Mỹ và thế giới vì không ai trước đó nghĩ rằng tổ chức khủng bố Al-Qaeda đủ sức và dám làm việc tày trời như thế, thì vụ Boston lại làm cho người Mỹ thất vọng ê chề khi thấy rõ mồn một rằng cả núi tiền bạc và nhiều nghìn sinh mạng mà đất nước này đã đổ vào cuộc chiến chống khủng bố hơn chục năm nay xem như đã đổ tuốt tuồn tuột ra biển khơi. Ác thay, nỗi thất vọng ấy lại đến vào dịp cả nước Mỹ vừa được nghe những bài tổng kết rất “kêu” về thành tích chống khủng bố. Nào là nước Mỹ đã yên bình trở lại, mọi âu lo về khủng bố đã là quá khứ, và rằng lũ ấy đang là rắn mất đầu, bị dồn hết vào chân tường v.v..


Thứ ba, nếu vụ 11/9 đã cho thấy sự tột cùng nguy hiểm và táo tợn của chủ nghĩa khủng bố, thấy rõ đây là một lực lượng được tổ chức bài bản, có thể đánh thẳng vào điểm mạnh nhất của đối phương, chứ không phải là ”giặc cỏ” hay “lũ rệp” như ai đó đã từng nhận định, thì vụ Boston lại chứng tỏ lũ rắn kia dù có mất đầu, nhưng vẫn là rắn, và đầu này mất lại có đầu kia, chứ không phải “đang nằm chờ chết”, hay đã bị dồn vào chân tường. Đúng là có học cả đời cũng không hết được chữ “ngờ”!


Thứ tư, không như vụ 11/9, xảy ra khi nước Mỹ đang lơ là, mất cảnh giác nhất, vụ giết người ở Boston vừa rồi lại diễn ra đúng lúc nước Mỹ tuy đang hả hê với chiến thắng dồn được khủng bố vào chân tường, nhưng vẫn đang rất cảnh giác. Nếu lần trước sức mạnh kinh tế Mỹ bị mang ra chế nhạo, thì lần này bọn khủng bố lại nắn gân sức mạnh an ninh và quốc phòng của Mỹ, nơi mỗi năm ngốn tới dăm bảy trăm tỷ đôla.


Thứ năm, rõ ràng vụ Boston không gây nhiều thiệt hại, song cũng như vụ trước, chắc chắn rồi đây chính phủ Mỹ lại phải rót thêm cả đống tiền bạc vào cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng ác thay, lần trước sờ đâu cũng thấy tiền, còn bây giờ không phải thế nữa, đã mua áo thì đừng may quần. Vâng, cả nước Mỹ, từ chính phủ đến mỗi người dân đều đang phải tính toán như thế, đến đận đã đôi ba lần chính phủ này suýt phải ”đóng cửa” vì… hết tiền. Thế mà chỉ sau vài tiếng đì đùng của mấy quả bom tự tạo nổ ở Boston, nơi luôn được coi là cái nôi của cách mạng Mỹ, nay mai chính phủ ấy lại phải móc ra cả núi tiền nữa, nhưng chưa biết lấy đâu ra đây? Thế nên, sau hai từ “làm khó” phải thêm cả chữ “nhau” nữa, tôi lúc này, anh lúc khác cả thôi mà!


Vâng, giá như ai đấy đừng cho mình cái quyền chuyên đi làm khó người khác; thích giết ai, bắn ai, hay cấm tiệt đường ăn, đường mặc và cả tàn sát một đất nước, một dân tộc nào đấy; là nghênh ngang mang xe tăng, đại bác tới bắn giết rồi… bỏ về, để lại hàng triệu con người phải oằn mình trong đau thương, uất hận, thì chắc chắn đã không có cái ngày 11/9 đầy máu kia, rồi từ nó lại đẻ ra bao nhiêu ngày như thế nữa, và mới nhất là hôm thứ hai đen tối vừa rồi ở Boston. Giá như ai cũng biết coi đồng loại đều như mình cả, cùng có nhu cầu về tự do, về quyền sống, quyền ăn ở, học hành, và được sống trong bình yên, thì sẽ không có những dân tộc này bị thóa mạ, tôn giáo kia bị khinh miệt, vùng đất nọ bị coi là hoang vu; cho dù nơi ấy cả một dân tộc đang sinh sống với hàng triệu con tim, khối óc, nhưng họ lại không được coi là Người, bị tước đoạt tất cả. Nếu vậy ắt sẽ không có hai từ “khủng bố” hay “đánh bom”.


Vâng, giá như không ai phải than những từ “giá như” như thế, cuộc đời này ắt đã đẹp lên rất nhiều rồi. Và giá như, lại giá như, người ta đừng chống khủng bố bằng khủng bố, thì rồi khủng bố sẽ tự lụi tàn. Nhưng nếu cứ lấy oán trả oán mãi như thế này, oán hận sẽ chất chồng, để rồi cứ còn mãi đất sống cho khủng bố, chỉ khi nào dùng ơn trả oán, ắt oán sẽ tiêu tan. Hy vọng sau Boston sẽ là một hướng đi mới, đành rằng đã là muộn, nhưng thà muộn còn hơn không…


Phạm Phú Phúc (Phóng viên TTXVN tại LHQ)

Nghi phạm vụ Boston định đánh bom New York

Thị trưởng thành phố New York (Mỹ), ông Michael Bloomberg, cho biết hai nghi phạm đánh bom ở thành phố Boston đã có ý định đến New York để đặt bom nổ tung quảng trường Thời đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN