Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời nhà nghiên cứu Natalie Marchant tại Đại học London (Anh) nhận định: “Chúng tôi cho rằng suy nghĩ tiêu cực tái diễn có thể là nhân tố rủi ro dẫn đến sa sút trí tuệ”.
Các nhà khoa học trong vòng 2 năm đã nghiên cứu 350 người trên 55 tuổi có suy nghĩ tiêu cực về quá khứ hoặc lo lắng về tương lai. Khoảng 1/3 những người tham gia được chụp cắt lớp não để đo 2 loại protein tau và beta amyloid gây bệnh Alzheimer.
Những người thường suy nghĩ tiêu cực thường tích tụ nhiều tau và beta amyloid, trí nhớ kém và giảm nhận thức nhanh hơn trong khoảng thời gian 4 năm so với những cá nhân lạc quan.
Nghiên cứu cũng phát hiện tình trạng giảm nhận thức nhiều hơn ở những người trầm cảm và thường xuyên lo lắng.
Nhưng lượng protein tau và beta amyloid không tăng ở những người trầm cảm và lo lắng, điều này khiến các nhà khoa học nghi ngờ việc thường xuyên suy nghĩ tiêu cực có thể là lý do khiến trầm cảm và lo lắng góp phần gia tăng bệnh Alzheimer.
Bà Fiona Carragher tại Hiệp hội Alzheimer ở London (Anh) nhấn mạnh: “Điều quan trọng là một thời gian ngắn suy nghĩ tiêu cực sẽ không gây ra bệnh Alzheimer. Chúng ta cần nghiên cứu sâu để hiểu rõ hơn”.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có thể rèn luyện cho tinh thần bằng việc thiền để tăng suy nghĩ tích cực. Ngoài ra, họ còn lên kế hoạch để thử nghiệm các nghiên cứu.
Theo một nghiên cứu năm 2019, những người có cách nhìn tích cực với cuộc sống cũng tránh được tử vong vì rủi ro liên quan đến tim mạch hơn so với người tiêu cực. Một số nghiên cứu khác còn tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa lối sống tích cực và các vấn đề sức khỏe như hệ miễn dịch và phổi tốt hơn.
Giáo sư Alan Rozanski tại Trường Y dược Icahn tại Mount Sinai (Mỹ) phân tích rằng những người tích cực thường thích vận động, có chế độ ăn lành mạnh hơn và ít hút thuốc lá. Bên cạnh đó, ông Alan Rozanski nhận thấy những người tích cực thường giải quyết khó khăn tốt hơn.