Ngày 16/8 là lần thứ 7 liên tiếp trong 10 ngày qua chỉ số S&P 500 giảm hơn 1%. Điều này chưa từng xảy ra từ cuối năm 2018 - thời điểm gần đây nhất các nhà đầu tư lo lắng về khả năng xảy ra suy thoái. Ở giai đoạn đó, các nhà đầu tư cũng lo ngại về lãi suất tăng cao và chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích khẳng định không có nhiều khả năng sự biến động này sẽ sớm kết thúc bởi chưa thể đoán định được thời điểm chiến tranh thương mại tìm ra lối thoát hữu hiệu. Nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị cho viễn cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài qua cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho rằng mặc dù quãng thời gian đến bầu cử năm 2020 còn dài và chưa thể khẳng định xảy ra suy thoái nhưng bất cứ dấu hiệu kinh tế không khả quan nào cũng có thể tác động đến Tổng thống Trump.
Nhà lãnh đạo Mỹ chủ trương lấy kinh tế làm trọng tâm vận động tranh cử nhiệm kỳ hai. Trong khi đó, các cố vấn kinh tế Nhà Trắng không nhận thấy nhiều khả năng thay đổi chiều hướng đang khiến nền kinh tế trượt dần. Ông Trump cáo buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chịu trách nhiệm về nguy cơ xảy ra suy thoái và ông muốn cơ quan này giảm lãi suất hơn nữa.
Nhiều cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump đã đề xuất ông “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại với Trung Quốc bởi lo sợ rằng mức thuế mới sẽ gây tổn thương đến người tiêu dùng Mỹ. Đến ngày 13/8, Tổng thống Trump tuyên bố hoãn áp đặt mức thuế mới 10% dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/9 đối với hàng nghìn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng quyết định lùi thời gian áp đặt mức thuế mới đến ngày 15/12 với một số mặt hàng nhất định nhằm “bảo vệ” mùa mua sắm Giáng Sinh.
Nhiều quan chức Nhà Trắng hy vọng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tạo đà phát triển kinh tế qua năm 2020. Hai thành viên đảng Cộng hòa giấu tên chia sẻ với hãng tin AP rằng mặc dù có lo lắng về tình trạng tại Phố Wall nhưng Tổng thống Trump hoài nghi một số dữ liệu kinh tế không khả quan khác và cho rằng truyền thông đã thổi phồng nhằm mục đích bôi nhọ hình ảnh của ông.
Nhiều nhà kinh tế học, bao gồm cả thành viên của FED, vẫn kỳ vọng nền kinh tế Mỹ phát triển trong năm nay, nhưng ở tốc độ chậm hơn so với 2008, chỉ ở mức 2,9%.
Thị trường ngày 14/8 còn có diễn biến đáng chú ý khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm còn thấp hơn cả lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm. Theo AP, đây thường là dấu hiệu báo trước về suy thoái. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Trump giải thích rằng lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm bắt nguồn từ chính sách của các ngân hàng khác trên khắp thế giới.