Ngày 17/3, đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tại Damascus.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, trong cuộc hội kiến, Ngoại trưởng Muallem đã bày tỏ sự sẵn sàng của Damascus trong việc hợp tác với quan chức LHQ để tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp chính trị.
Tuy nhiên, ông cho rằng tiến trình chính trị, trong đó có các cuộc đàm phán về Hiến pháp mới, nên để cho "người Syria dẫn dắt và chịu trách nhiệm". Ngoại trưởng Syria nhấn mạnh rằng Hiến pháp và tất cả các vấn đề có liên quan là vấn đề thuộc chủ quyền của Syria và nên để cho chính người Syria quyết định mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Về phần mình, đặc phái viên LHQ Pedersen đã trao đổi với Ngoại trưởng Syria về những nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này, trong đó có những động thái hướng tới việc thành lập ủy ban có nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp cho Syria thời hậu chiến. Ông nhấn mạnh việc thành lập ủy ban này là "khởi đầu tiền năng cho lộ trình chính trị".
Ủy ban Hiến pháp gồm 150 thành viên gồm đại diện của Chính phủ Syria, phe đối lập và các tổ chức xã hội dân sự được LHQ đánh giá là "chìa khóa" để tiến tới tổ chức các cuộc bầu cử tự do và chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 9 tại quốc gia Trung Đông này.
Hiến pháp mới của Syria có thể bao gồm các nội dung như quyền lực của tổng thống, cách thức tổ chức bầu cử và sự phân chia quyền lực. Việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria đã được nhất trí tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở thành phố Sochi của Nga hồi tháng 1/2018.
Ông Pedersen đã tới Damascus vào ngày 17/3, thực hiện chuyến thăm lần thứ hai tới Syria kể từ khi ông nhậm chức đặc phái viên LHQ hồi tháng 1 năm nay. Trước đó, khi phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Pedersen đã tuyên bố rằng ủy ban hiến pháp nên được xem là “sự mở màn tiềm năng cho tiến trình chính trị”. Theo ông, nghị quyết của LHQ được thông qua năm 2015 kêu gọi việc soạn thảo Hiến pháp mới trước khi tiến hành các cuộc bầu cử với sự giám sát của LHQ.
Phản đối tuyên bố chung của Mỹ, Anh và Pháp
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Syria đã bác bỏ tuyên bố chung gần đây của Mỹ, Pháp và Anh, và cho rằng đó là "minh chứng lịch sử về sự dối trá, đạo đức giả, lừa dối và xuyên tạc".
Trước đó, ba nước này đã ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định họ sẽ không tham gia vào quá trình tái thiết Syria chừng nào quốc gia này còn do Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo.
Bộ Ngoại giao Syria khẳng định những sự kiện mà Syria và khu vực đang trải qua là kết quả âm mưu của phương Tây do Mỹ dẫn đầu trên cơ sở của một kế hoạch thuộc địa kiểu mới thông qua các sức ép chính trị, bao vây kinh tế, làm sai lệch thông tin và "dịch chuyển" hàng nghìn phần tử cực đoan trong các tổ chức khủng bố.
Theo bộ trên, ba nước này cũng cung cấp các hình thức hậu cần, tài chính và hỗ trợ vũ trang cho các nhóm cực đoan để tàn phá các nước khác trong khu vực, bên cạnh việc làm cạn kiệt các nguồn lực nhằm làm suy yếu và biến họ thành những "con tốt" để thao túng trong âm mưu và chiến lược gây hấn.