Không nằm ngoài dự đoán, hai vấn đề liên quan tới Syria và Iran đã thống lĩnh các nội dung tại phiên tranh luận toàn thể của khóa họp lần thứ Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Trong đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi thế giới hành động cứng rắn với Syria và bày tỏ mong muốn giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran một cách hòa bình.
Mỹ, Pháp dồn dập “tấn công” Syria
Trong phiên họp bắt đầu từ ngày 24/9, Tổng thống Obama đã tuyên bố với các lãnh đạo thế giới rằng Mỹ sẵn sàng “dùng mọi nhân tố trong quyền lực của mình, kể cả vũ lực quân sự” ở Trung Đông để bảo vệ lợi ích cốt lõi của Mỹ, như đảm bảo nguồn cung dầu mỏ và xóa sổ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông Obama cũng cho rằng niềm tin của cộng đồng quốc tế đang lâm nguy sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus của Syria - vụ tấn công mà phương Tây “đổ riệt” cho chính quyền của Tổng thống Assad.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 24/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước Đại hội đồng, ông Obama tuyên bố: “Phải có một nghị quyết mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an để kiểm tra xem chính quyền của ông Assad có định giữ cam kết hay không, và phải có hậu quả nếu họ không giữ cam kết”.
Hòa với giọng điệu của Tổng thống Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng phải có một lời đe dọa dùng biện pháp cưỡng ép để buộc ông Assad phải tuân theo kế hoạch giải giáp vũ khí. Cũng giống Mỹ, Pháp cho rằng chính quyền Syria là thủ phạm vụ tấn công hôm 21/8.
Tuy nhiên, Nga vẫn bất đồng với các nước phương Tây về ngôn từ của dự thảo nghị quyết. Kết thúc cuộc họp 90 phút giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hai bên chưa thống nhất được dự thảo nghị quyết dù cuộc họp được đánh giá là rất có tính xây dựng. Quan chức Mỹ thừa nhận rằng có ba hoặc bốn trở ngại cần phải vượt qua. Do đó, phía Mỹ và Nga sẽ tiếp tục thảo nghị quyết.
Phiên họp của Đại hội đồng diễn ra trong bối cảnh các thanh sát viên LHQ đã quay lại Syria ngày 25/9 để hoàn tất cuộc điều tra của họ về vũ khí hóa học. Họ sẽ thu thập bằng chứng từ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra ngày 19/3 ở Khan al-Assal thuộc tỉnh Aleppo. Trước đó, họ đã nộp báo cáo xác nhận rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc tấn công ngày 21/8.
Quan hệ Mỹ, Iran tan băng?
Trong bài diễn văn đầu tiên tại Đại hội đồng LHQ từ khi nhậm chức, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã khẳng định rằng Iran không phải là một mối đe dọa với thế giới và nước này mong muốn hợp tác hiệu quả với các nước dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung. Ông Rouhani cũng cam kết Iran không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân và không muốn căng thẳng leo thang với Mỹ. Do đó, Iran và các nước có liên quan cần theo đuổi một giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Iran.
Tổng thống Iran lưu ý rằng, nếu Washington từ chối lợi ích ngắn hạn của những nhóm hiếu chiến, Iran và Mỹ có thể tiến tới một khuôn khổ để giải quyết khác biệt giữa hai bên. Trước đó vài giờ, ông Obama phát biểu trước Đại hội đồng rằng ông muốn một thỏa thuận có ý nghĩa với Iran nếu Tehran chấm dứt lo ngại của quốc tế về chương trình hạt nhân.
Giới phân tích đánh giá những lời lẽ mềm mỏng mà Mỹ và Iran dành cho nhau là dấu hiệu tan băng trong quan hệ song phương, mặc dù dấu hiệu này vẫn được nhìn nhận một cách lạc quan thận trọng. Hai lãnh đạo cũng không sắp xếp được một cuộc gặp bên lề phiên họp Đại hội đồng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif dự kiến gặp ngày hôm nay (26/9) nhằm tìm kiếm một vòng đàm phán mới.
Thùy Dương