Syria - Thổ Nhĩ Kỳ: Nguy cơ bùng nổ chiến tranh

Căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Xyri - Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng và có nguy cơ gây bùng nổ chiến tranh trong khu vực, sau khi lực lượng phòng không Xyri đã bắn rơi một máy bay chiến đấu F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận nước này hôm 22/6.


 

Một chiếc tàu của lực lượng cảnh vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/6 lên đường tìm kiếm xác chiếc máy bay F-4 bị Xyri bắn hạ.

 

Ngày 24/6, chỉ vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triệu tập cuộc họp về vụ này, NATO đã thông báo sẽ nhóm họp khẩn cấp vào ngày 26/6 tới. Người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết, theo Điều 4 trong Hiệp ước thành lập NATO, một nước thành viên nếu nhận thấy an ninh của mình bị đe dọa, có quyền yêu cầu tổ chức họp khẩn để tham vấn các thành viên khác trong khối.


Cùng ngày, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát đi cảnh báo mạnh mẽ đối với Xyri về vụ máy bay rơi. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, chiếc máy bay trên không có bất cứ dấu hiệu thù địch nào đối với Xyri và Xyri cũng không đưa ra cảnh báo nào trước khi bắn hạ. Ông Davutoglu cho biết đây là chiếc máy bay đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tiến hành một cuộc kiểm tra hệ thống rađa chứ không phải thực hiện nhiệm vụ do thám. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, Ancara sẽ hành động kiềm chế nhưng quyết tâm, và sẽ đưa vụ việc ra công luận cũng như luật pháp quốc tế. Một nguồn tin ngoại giao cho hãng tin Pháp AFP biết, Ngoại trưởng Davutoglu đã điện đàm với người đồng nhiệm bên phía Mỹ và các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khác, cũng như phía Đức và Iran.
Trong khi đó, tờ “Al-Watan” ngày 24/6 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xyri một lần nữa khẳng định, Xyri chỉ thực hiện các quyền cũng như trách nhiệm về chủ quyền và phòng vệ; không có sự thù địch giữa hai nước và những gì vừa xảy ra hoàn toàn không phải một hành động gây hấn. Bộ Ngoại giao Xyri tuyên bố chiếc máy bay F-4 bị bắn hạ trong khi đang ở trên không phận Xyri và bay qua lãnh hải Xyri.


Trước đó, ngày 23/4, chính phủ Xyri thông báo lực lượng phòng không nước này đã bắn rơi một máy bay F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ khi nó xâm phạm không phận của nước này ở khu vực nằm cách hải cảng Latakia của Xyri khoảng 13 km về phía tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xyri Jahad Makdissi cho biết lực lượng phòng không nước này đã “hành động” khi một vật thể lạ xâm nhập vào không phận của Xyri và chỉ đến khi chiếc máy bay F-4 bị cháy họ mới phát hiện rằng đó là máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, đây không phải là hành động thù địch nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ mà đơn thuần chỉ là một hành động tự vệ nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia.


Một số nguồn tin cho rằng Xyri đã sử dụng tên lửa phòng không tự hành tầm trung Buk-M2 (SA-11) vừa được Nga cung cấp để bắn hạ chiếc máy bay F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ. Tên lửa SA-11 có thể tiêu diệt máy bay ở độ cao tới 14 km. Cũng theo nguồn tin trên, tên lửa tiên tiến SA-11 vừa được Nga chuyển cho chính quyền Đamát trong những tuần gần đây, nên rất có thể quân đội Xyri chưa hoàn tất việc huấn luyện cách sử dụng và phải dựa vào sự giúp đỡ từ phía các cố vấn của Nga để khai hỏa.


Trước tình hình trên, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về các tác động nghiêm trọng đối với toàn khu vực có thể xảy ra sau sự cố này. Ông Ban Ki-moon kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong phản ứng của mình, đồng thời đánh giá cao việc Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Xyri tiến hành một cuộc tìm kiếm chung. Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi hai bên tiếp tục giải quyết tình hình bằng các biện pháp ngoại giao và cho biết LHQ có thể giúp đỡ nếu hai bên gặp khó khăn.


Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Xyri, từng một thời là đồng minh, đã xấu đi kể từ khi nổ ra các làn sóng biểu tình chống Tổng thống Xyri Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011. Đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút các nhân viên ngoại giao của mình khỏi Đamát. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận hơn 30.000 dân thường Xyri lánh nạn và hồi đầu tháng này là nước chủ nhà cho một cuộc họp quan trọng của các nhà hoạt động Xyri đối lập chống Tổng thống Assad. Căng thẳng giữa hai bên càng gia tăng và vụ máy bay F-4 hiện nay đã trở thành một vụ việc nghiêm trọng trong quan hệ song phương.


Lê Hải - Hồng Hạnh (tổng hợp)

Mỹ dàn xếp vụ phi công Xyri đào thoát sang Gioócđani?

Các quan chức Xyri ngày 22/6 cho rằng vụ Đại tá Không quân Xyri, Merhi al-Hamadeh đào thoát sang Gioócđani cùng chiếc máy bay MiG-21 là do người Mỹ tổ chức với âm mưu cho người dân Xyri và thế giới Arập thấy rằng lực lượng trung thành nhất với Tổng thống Bashar al-Assad đang trượt khỏi sự kiểm soát của ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN