Tuần báo Le Nouvel Observateur (Pháp) mới đây có bài viết với tựa đề “Làm thế nào Internet thay đổi bộ não chúng ta?”. Bài báo cho rằng Internet đã mang lại cho chúng ta những điều tốt nhất và cả những điều tệ nhất.
Ông Nicolas Carr, nhà tiểu luận người Mỹ, một chuyên gia về web, đã từng có một cảm giác khó chịu rằng “có ai đó hay cái gì đó đang mày mò… não của mình”. Ông không tài nào tập trung được hơn hai phút cho một cái gì, đặc biệt là khi đọc các bài văn dài. Từ các cảm nhận đó, ông đã viết một quyển sách tựa đề “Phải chăng Internet khiến chúng ta trở nên ngu đần?”, đó đã trở thành một đề tài hấp dẫn tại Mỹ hiện nay.
Thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, Socrate đã từng tỏ ra lo ngại khi cho rằng chữ viết sẽ làm cho trí nhớ phai mờ đi. Và lịch sử đã chứng minh được rằng Socrate đã hoàn toàn sai lầm, vì chữ viết đã giúp chúng ta nhớ tốt hơn. Do bộ não của chúng ta là cơ quan có tính đàn hồi cao nên nó có thể thích ứng tốt, ngày nay não cũng đang thích ứng với web.
Theo các nhà nghiên cứu, khi chúng ta lướt trên web, võ não trán trước, bộ phận xử lý toàn bộ quá trình ra quyết định, đặc biệt trở nên bị kích thích. Theo họ, lướt web có lợi cho trẻ vị thành niên, vì nó khiến trí tuệ trở nên nhanh nhẹn. Ngược lại, vùng não để phát triển ngôn ngữ và trí nhớ sẽ ít được kích thích hơn.
Theo nhà sáng lập Google, bộ não con người là một bộ máy vi tính lỗi thời, nó cần có một bộ vi xử lý nhanh hơn và một bộ nhớ lớn hơn. Với Google, bộ nhớ của chúng ta sẽ bị xếp xó, bởi chúng ta có thể tìm thấy mọi thức trên trang mạng này, từ một bài thơ của Verlaine, các bài hát cho trẻ con, đến các bài hát bất hủ của Stones. Những người ủng hộ cho công nghệ mới đều cho rằng với web, ta không việc gì phải nhớ nữa. Người ta có thể lưu trữ hình ảnh, tin nhắn và cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, không hẳn là web sẽ giúp ta giảm tải bớt hoàn toàn bộ nhớ ở não. Theo các chuyên gia, nếu như bộ nhớ ngắn hạn có thể bị bão hòa, thì bộ nhớ dài hạn, nơi mà ta thường lưu giữ những kỷ niệm lại có thể mở rộng một cách tuyệt vời.
Le Nouvel Observateur đặt ra câu hỏi, web có khiến ta trở nên quá hiếu động, siêu kết nối và rất mất kiên nhẫn? Theo bài viết, web khiến ta mất tập trung từ trẻ con cho đến người lớn. Ngày nay, người ta chỉ thích đọc những tin nhắn ngắn ngủi, đứt đoạn. Người ta tự hỏi đâu rồi các nhà tu sĩ Ailen chuyên làm công việc sao chép? Hãng Canon đã tổ chức một ngày trong một quý không có tin nhắn qua mạng trong nội bộ doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, bộ nhớ của chúng ta trong tình trạng quá nóng liên tục. Với sự ra đời của điện thoại di động thông minh, tình hình còn tồi tệ hơn, bởi vì chúng ta luôn trong tình trạng kết nối. Trên Internet, sự chú ý của chúng ta luôn bị thu hút bởi các điểm nhấp nháy, bởi vậy chúng ta cần phải học lại cách phân luồng sự quan tâm của mình.
Liệu Internet có làm cho não chúng ta bị ghiền? Câu trả lời là có. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy khó chịu bứt rứt như là đã lỡ một việc gì đó. Như trường hợp của Nicolas Carr, ông viết trong tác phẩm của mình “Đầu óc của tôi như bị đói. Nó đòi phải được nuôi như là Net đang nuôi dưỡng nó vậy. Và càng được nuôi, thì nó càng thấy đói. Khi tôi xa rời nó, tôi khao khát được xem tin nhắn, được truy cập vào trang Google. Tôi muốn được kết nối”.
TKT