Tác động thực sự của lệnh trừng phạt mới từ Mỹ đối với Iran

Trong khi phần lớn thế giới chỉ tập trung vào các biện pháp trừng phạt đối với trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ của Iran tái xuất tháng 11 tới, đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với Iran ngay từ tháng 8 được cho là sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế dễ bị tổn thương của Iran.

Chú thích ảnh
Chính phủ Iran sẽ bị cấm mua USD. Ảnh: Mehr News Agency

Theo các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khởi động lại vào 4h01 ngày 7/8 (giờ GMT), chính phủ Iran sẽ bị cấm mua USD, chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, than và phần mềm liên quan đến công nghiệp. Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm và thực phẩm của Iran, chặn một số giao dịch tài chính của nước này. Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nước này, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sự sụp đổ của đồng Rial kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân là dấu hiệu dễ nhận biết nhất báo trước về một sự hỗn loạn trong tương lai. Đồng Rial gần đây giảm đến mức thấp nhất so với đồng USD (40%), khiến nhiều người Iran rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng và mua USD. Một chuyên gia kinh tế và giảng viên Khoa Kinh tế tại Đại học Tehran cho rằng, nền kinh tế Iran đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất ở tất cả các giai đoạn lịch sử.

Với thỏa thuận hạt nhân được ký kết sau cuộc suy thoái 2015, nền kinh tế Iran đã tăng 12,5% trong năm 2016 và tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2017. Nhiều chuyên gia phân tích gọi đó là sự tăng trưởng sau trừng phạt.

Sau thỏa thuận, một loạt các ông lớn công nghiệp châu Âu như Total, Peugeot, Renault, Airbus, Alstom và Siemens nhanh chóng chạy tới Iran để thực hiện các hợp đồng trị giá hàng tỷ đô la.

Tuy nhiên, chỉ đơn thuần đề cập đến việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Iran trong những tháng gần đây, Mỹ đã khiến nhiều công ty châu Âu run sợ khi có ý định giao thương với Iran trước nguy cơ chịu một lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Hồi tháng 5, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Joe Kaeser - Giám đốc điều hành tập đoàn công nghiệp Đức Siemens – giải thích về thực tế khắc nghiệt từ sức ảnh hưởng của Mỹ: "Có một sự ưu tiên trong hệ thống chính trị tại Mỹ. Nếu quy định đó là 'Đây là những gì bạn định làm,' thì đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi là một công ty toàn cầu. Và chúng tôi phải cân bằng cả hai, về mặt lợi ích cũng như giá trị”. Giám đốc điều hành Kaeser cho biết Siemens sẽ ngừng tất cả các giao dịch mới tại Iran.

Nhiều người tin rằng mục đích sau cùng việc Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt lên Iran là nhằm phá vỡ mối quan hệ tin tưởng giữa ban lãnh đạo Iran và người dân nước này, hướng tới kết cục thay đổi chế độ - một điều mà Washington luôn phủ nhận.

Hiện tại, sự xuống dốc của đồng Rial đang gây ra một làn sóng phẫn nộ trong tầng lớp lao động Iran. Tình trạng thất nghiệp, đặc biệt trong giới trẻ, gia tăng; lạm phát tăng cao do chi phí hàng nhập khẩu trong khi cơ sở hạ tầng yếu kém chưa được đầu tư sau nhiều năm bị trừng phạt gây ra thực trạng thiếu nước và thiếu điện liên miên. Kể từ cuối năm ngoái và đặc biệt trong khoảng thời gian gần đây trước khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt, đã xuất hiện những cuộc biểu tình leo thang tại thủ đô Tehran cũng như trên khắp cả nước.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Giá dầu tăng sau khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran
Giá dầu tăng sau khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran

Ngày 6/8, giá dầu thế giới tiếp tục tăng sau khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN