Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng tắc đường có mối liên hệ với sự bùng nổ của thị trường bất động sản tại các đô thị.
Đứng đầu danh sách 10 thành phố tắc đường nhiều nhất tại Đức theo thứ tự là thành phố Hamburg, Berlin, Nürnberg, Bremen, Stuttgart, München, Bonn, Frankfurt/Main, Dresden và Köln.
Tại các thành phố trên, các lái xe mất rất nhiều thời gian trên đường do tình trạng ùn tắc. Tại Hamburg, tỷ lệ tắc đường đã tăng so với năm trước và lên tới 33%, điều khiến các lái xe mất không trung bình 113 giờ/năm do tình trạng tắc đường. Tại thành phố này, một lượt chạy xe đường thông thoáng chỉ mất chưa đầy 30 phút, nhưng khi tắc đường, thời gian có thể kéo dài đến gần 50 phút.
Tình trạng tắc đường thường diễn ra nghiêm trọng nhất vào các buổi sáng và buổi tối, đặc biệt là sáng thứ Hai và chiều thứ Sáu. Thủ đô Berlin cũng được mệnh danh là "thủ đô ùn tắc", nơi các lái xe mất trung bình 103 giờ/năm vì tắc đường và thậm chí có ngày tỷ lệ tắc đường tại đây lên tới 51%.
Sự tăng giá cho thuê bất động sản trong thành phố là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng tắc đường tại các thành phố lớn. Theo các nhà nghiên cứu, giá tiền thuê nhà tại các thành phố lớn tăng dẫn đến việc nhiều người chuyển ra sinh sống tại các vùng ngoại ô, nhưng vẫn làm việc trong thành phố, do đó mật độ đi lại tăng lên. Bốn thành phố có giá thuê nhà cao nhất là München, Frankfurt/Main, Stuttgart và Berlin đều nằm trong tốp thành phố có mật độ giao thông cao nhất.
Nghiên cứu trên được tiến hành từ năm 2018. Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về tình trạng tắc đường từ các thiết bị định hướng được cài đặt sẵn trên ô tô hoặc điện thoại di động cũng như các nguồn khác như Iphone.