Số ca mắc mới hàng ngày ở Ấn Độ đã giảm từ mức cao nhất hơn 400.000 ca mỗi ngày vào tháng 5/2021 xuống dưới 10.000 ca mỗi ngày. Nhưng theo tờ Conversation, cho dù các xét nghiệm kháng thể có thể cung cấp manh mối về lý do tại sao ca nhiễm giảm, người Ấn Độ vẫn không được phép tự mãn và lơ là tiêm chủng.
Kháng thể cao dù tiêm chủng thấp
Ở Ấn Độ, các xét nghiệm huyết thanh đã được tiến hành thường xuyên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đó là khi máu của rất nhiều người được xét nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể COVID - thứ mà cơ thể con người tạo ra sau khi bị nhiễm COVID-19 hoặc tiêm vaccine phòng COVID.
Cuộc khảo sát quốc gia lần thứ tư vào tháng 7 năm nay cho thấy 67,6% người dân trên khắp Ấn Độ có kháng thể COVID-19, cung cấp cho họ một mức độ miễn dịch chống virus nhất định. Tại thời điểm đó, chỉ có 24,8% người dân được chủng ngừa ít nhất một liều vaccine và 13% được tiêm đầy đủ. Điều này có nghĩa là một tỷ lệ lớn những người có kháng thể đã bị nhiễm COVID từ trước.
Vào tháng 10, giới chức Ấn Độ báo cáo 97% số người xét nghiệm có kết quả dương tính với kháng thể COVID-19, trong đó 80% trẻ em. Khoảng 95,3% trong số những người được tiêm chủng bằng phiên bản sản xuất tại Ấn Độ của vaccine AstraZeneca đã phát triển kháng thể, 93% những người được tiêm vaccine nội địa Covaxin của Ấn Độ cũng sản sinh kháng thể.
Cuộc khảo sát hồi tháng 10 ở bang Haryana cũng đã tìm thấy kháng thể ở 76,3% người lớn, hơn 70% ở trẻ em và có sự khác biệt không đáng kể giữa dân số thành thị và nông thôn.
Bang Kerala có tỉ lệ xét nghiệm huyết thanh có kháng thể thấp nhất là 44,4% vào tháng 7, nhưng vào tháng 10, tỷ lệ này đã tăng lên 82,6% trong dân số nói chung và 85,3% ở cư dân các khu ổ chuột ở đô thị.
Nguy cơ thấp “làn sóng thứ ba”
Một làn sóng thứ ba ở Ấn Độ là một kịch bản khó xảy ra với lượng kháng thể cao này trong khi hoạt động tiêm chủng tiếp tục mở rộng.
Giờ đây, người ta đã công nhận những người bị nhiễm COVID tự nhiên và hồi phục trước khi tiêm chủng sẽ phát triển khả năng miễn dịch tốt hơn những người chỉ có kháng thể từ tiêm chủng. Đây được gọi là “miễn dịch lai”, xảy ra ở những người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ bất thường sau khi tiêm vaccine COVID.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ lưu ý rằng cả những cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ và những nhóm đã mắc bệnh trước đó đều có nguy cơ rất thấp bị lây nhiễm trong ít nhất 6 tháng.
Kết quả của cuộc khảo sát huyết thanh quốc gia gần đây nhất ở Ấn Độ phản ánh tỉ lệ huyết thanh trong tuần thứ ba của tháng 6/2021. Khi đó làn sóng thứ hai do biến thể Delta đã chạm đáy. Mặc dù khoảng 30% dân số vẫn còn nhạy cảm với lây nhiễm, nhưng việc không có bất kỳ đợt gia tăng đột biến nào sau các lễ hội đã khẳng định mức độ bảo vệ của kháng thể vẫn duy trì cao.
Những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp nằm trong lòng các khu vực có mức độ bao phủ vaccine cao vẫn có nguy cơ bùng phát dịch nhỏ, nhưng không đủ lớn để có bất kỳ mối lo ngại lớn nào về dịch tễ học.
Bước vào giai đoạn bệnh đặc hữu?
Hồi cuối tháng 8, Trưởng khoa học gia của WHO cho biết, Ấn Độ dường như đang "bước vào một giai đoạn bệnh đặc hữu". Bệnh đặc hữu là từ chỉ sự hiện diện liên tục hoặc tỷ lệ phổ biến thông thường của một căn bệnh trong một quần thể ở một khu vực địa lý, nơi có thể dự đoán được tỷ lệ và sự lây lan của bệnh.
Nhưng liệu một biến thể mới, chẳng hạn như biến thể phụ Delta Plus được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 4/2021 có thể đe dọa sự ổn định tương đối hiện tại? Câu trả lời là, mặc dù Delta Plus được cho là có thể lây truyền nhiều hơn khoảng 10-15% so với biến thể Delta, nhưng bằng chứng từ châu Âu cho thấy nó vẫn chưa thể thiết lập bất kỳ sự thống trị nào đối với Delta.
Với ưu thế là tỉ lệ người dân có miễn dịch tự nhiên sau nhiễm bệnh và "miễn dịch lai" cao, Ấn Độ vẫn không thể chủ quan trong nỗ lực tiêm phòng. Cho đến nay, trong số 1,4 tỷ người của nước này, mới chỉ 26,9% được tiêm chủng đầy đủ và 54,9% đã tiêm ít nhất một liều. Số phụ nữ được tiêm chủng đang thấp hơn 35 triệu người so với nam giới, và các phân tích độc lập cho thấy các huyện vùng nông thôn và bộ lạc đang bị tụt hậu.
Ấn Độ hiện đang theo đuổi 2 mục tiêu: đạt được 90% tỷ lệ bao phủ với liều đầu tiên vào cuối tháng 11 và triển khai đúng thời gian liều thứ hai. Một chiến dịch tuyên truyền đang được tiến hành để khuyến khích mọi người hoàn thành lịch trình tiêm chủng đầy đủ.