Ba vị tướng quân đội này gồm H. R. McMaster, Jim Mattis và John F. Kelly, hiện đang đảm trách ba vị trí đứng đầu về an ninh của nước Mỹ. Họ đều đã xông pha trận mạc ở "vùng đất lửa" Iraq - cuộc chiến tốn kém nhất của nước Mỹ kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Nay thì cả ba sẽ cùng ngồi quanh chiếc bàn trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng, cố vấn cho tân Tổng thống vượt qua những luồng nước ngang ngược giữa một thế giới đầy bão táp.
Quyết định bổ nhiệm trung tướng H. R. McMaster làm tân Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, thay tướng Michael Flynn mới từ chức, đã tạo ra cỗ tam mã quyền lực, gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Bộ trưởng An ninh Nội địa John F. Kelly, đều là tướng thủy quân lục chiến 4 sao đã nghỉ hưu. Lần đầu tiên cả ba vị trí lãnh đạo an ninh của Nhà Trắng đều do các cựu tướng quân đội đảm trách.
Tờ New York Times bình luận, việc cả ba tướng quân “chuyển ngạch” sang các vị trí chính quyền cấp cao tại Hội đồng An ninh quốc gia phản ánh sự trỗi dậy của các lãnh đạo quân đội đã trưởng thành từ hai cuộc chiến dai dẳng tại Afghanistan và Iraq, "di sản" thời kỳ hậu 11/9/2001. Mỗi người trong số họ chắc chắn đều đã rút được những bài học xương máu để tránh tái lặp những sai lầm chết người.
“Thế hệ tướng quân này đã trải qua nhiều cuộc chiến đấu, đặc biệt trong khung thời gian những năm 2004, 2005, 2006 tại Iraq, khi chúng ta không làm những điều đúng đắn” - Thượng nghị sĩ phe Cộng hòa Tom Cotton, một cựu binh từng phục vụ tại Iraq nhận xét - “Họ hiểu rằng, các lực lượng an ninh và quân đội là nhân tố quan trọng nhưng chưa đủ. Thế hệ tướng lĩnh ‘trưởng thành’ từ cuộc chiến Iraq có thể hiểu điều đó hơn bất cứ thế hệ nào trước đó”.
Ông Cotton là một trong những người đã thuyết phục Nhà Trắng cân nhắc tướng McMaster vào ghế Cố vấn An ninh quốc gia. Thượng nghị sĩ này đã nổi tiếng qua những năm lên tiếng thẳng thắn về cuộc chiến tranh Việt Nam và Iraq. “Ông Donald Trump là một tổng thống phi truyền thống, và tôi nghĩ điều đó khiến ông ấy phải dùng những người có nhiều năm kinh nghiệm và đã chứng tỏ được năng lực”, ông Cotton nhìn nhận.
Tướng John F. Kelly trong lễ chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho lực lượng Iraq tại Ramadi, tỉnh Anbar, Iraq vào tháng 9/2008. |
Trong khi một số nhà chỉ trích lo ngại về sự lấn át của tướng lĩnh quân đội trong các vị trí chính trị cấp cao, thì không ít người hoan nghênh ba vị tướng, hy vọng họ sẽ phụng sự như những "chiếc phanh hãm lại những ý tưởng tồi". “Cả ba họ đều chứng tỏ cá tính độc lập và tài năng theo tôi là phi thường, tôi hiểu họ khá nhiều qua năm tháng” – Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCaine trả lời phỏng vấn.
Tuy vậy, việc cỗ tam mã hùng mạnh có thể định hình chính sách của ông Trump đến đâu thì vẫn là một câu hỏi mở. Khi Tổng thống cân nhắc tái sử dụng biện pháp tra tấn trong xét hỏi nghi phạm khủng bố, ông Mattis đã phản đối và nhà lãnh đạo Mỹ nghe theo. Nhưng khi Nhà Trắng ban sắc lệnh cấm người dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh, ông Kelly đã thậm chí còn không được biết đầy đủ thông tin cho đến lúc Tổng thống sắp đặt bút ký.
Ông McMaster thì sẽ nhận văn phòng ngay bên kia đường khu Cánh Tây của Nhà Trắng và sẽ gặp tổng thống nhiều nhất trong 3 vị tướng. McMaster sở hữu kinh nghiệm làm việc nhóm ở Washington ít nhất, có nghĩa ông sẽ phải học hỏi làm thế nào để cân bằng các thể chế khác nhau, trong đó có Lầu Năm góc, Bộ ngoại giao, CIA và Quốc hội. Ông cũng sẽ phải dần làm quen với chính Tổng thống, bởi mới một tuần trước đây, ông Trump còn chưa từng nghe nói về tướng McMaster.
Ông McMaster cũng sẽ phải vạch ra cách điều khiển Stephen Bannon, nhà chiến lược số 1 của Tổng thống, hiện đã được trao một ghế trong ủy ban an ninh quốc gia (cấp nội các) và đóng vai trò mạnh mẽ trong hoạch định chính sách đối ngoại cho đến nay. Hôm 21/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho hay, ông McMaster sẽ có quyền tổ chức đội ngũ an ninh quốc gia mà ông thấy phù hợp.
Tướng Jim Mattis (giữa) trao đổi với các cấp dưới tại Iraq hồi tháng 3/2003. |
Điều đáng nói là cả ba viên tướng đều không chỉ có kinh nghiệm trận mạc. Ông McMaster và Mattis đều là những học giả mặc áo lính. Họ sẽ mang kinh nghiệm thực tế đã qua thời gian chiêm nghiệm, đúc rút tới các cuộc thảo luận tại Phòng Tình huống”, Douglas E. Lute, tướng ba sao đã nghỉ hưu từng là cố vấn an ninh quốc gia cấp cao thời Tổng thống Bush con và Obama nhận định.
David W. Barno, một trung tướng nghỉ hưu khác, từng là tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan, cũng nhận xét, ba viên tướng sẽ có cách tiếp cận thấu đáo hơn khi sử dụng vũ lực. “Họ sẽ cho phe ‘diều hâu’ thấy chiến tranh sẽ ra sao. Điều đó không có nghĩa là họ sẽ né tránh sử dụng quân đội, mà sẽ có những cách tiếp cận mà không một ai khác ở Nhà Trắng có”, tờ New York Times dẫn bình luận của tướng Barno.