Khi cuộc chiến Ukraine bước vào tháng thứ 4, các lệnh trừng phạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào một nền kinh tế lớn vẫn được siết chặt. Mỹ và châu Âu đã phong tỏa ngoại tệ của Nga gửi tại các ngân hàng phương Tây. Đến ngày 3/6, Liên minh châu Âu (EU) đã theo bước Mỹ và Anh khi áp đặt trừng phạt một phần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, ngắt Sberbank – ngân hàng lớn nhất của Nga, khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Một loạt tỉ phú, nhà tài phiệt của Nga cùng với lượng tài sản mà họ nắm giữ cũng nằm trong vòng xoáy trừng phạt. Một siêu du thuyền dài 100m có cả bể bơi và bãi trực thăng nằm ở đảo quốc Fiji đã bị tịch thu theo lệnh cấm vận của phương Tây. Tương tự như vậy là trừng phạt nhằm vào nhiều máy bay tư nhân của giới nhà giàu Nga đậu ở Dubai hay câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở Anh.
Các đòn cấm vận gây ra đứt gãy nghiêm trọng đối với kinh tế Nga, với ảnh hưởng kéo dài trong nhiều năm. Nhưng rõ ràng biện pháp này cũng có hạn chế nhất định. Do giá nhiên liệu tăng cao khi dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở ngưỡng trên 120 USD/thùng, nguồn thu ngân sách tại Nga tăng vọt.
Do chỉ phương Tây và một số ít đồng minh châu Á thực hiện trừng phạt năng lượng Nga, nhiều khách hàng vẫn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Ước tính, sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2023 chỉ thấp hơn khoảng 20% so với trước thời điểm nổ ra chiến tranh ở Ukraine. Giới tài phiệt, tinh anh người Nga vẫn có thể tự do đi lại trên thế giới.
Số tiền chi ra để tái thiết các thành phổ đổ nát, hồi phục các trung tâm công nghiệp ở Ukraine là rất lớn, ước tính phải trên 600 tỉ USD. Đã xuất hiện ý tưởng kêu gọi phương Tây leo thang một bước trước Nga, chuyển từ phong tỏa tạm thời sang tịch thu vĩnh viễn tài sản thuộc tổ chức, cá nhân người Nga và dùng số tiền này để tái thiết Ukraine trong tương lai.
Nga có khoảng 300 tỉ USD dự trữ ngoại hối đang gửi ở phương Tây và khoảng 1.000 tỉ USD tài sản thuộc sở hữu tư nhân của Nga ở nước ngoài. Ngày 19/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU đang xem xét khả năng sử dụng tài sản bị đóng băng của giới tài phiệt Nga cho việc tái thiết Ukraine. Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đã thảo luận về bước đi tương tự.
Ý tưởng buộc Nga phải chi trả nghĩa vụ tài chính dễ nhận được ủng hộ của dư luận phương Tây. Tuy nhiên, việc chuyển từ phong tỏa sang tịch thu tài sản là một bước leo thang lớn và chỉ có thể hợp pháp khi vượt qua được hai bài kiểm định: Nó có tương thích với khái niệm pháp trị hay không và liệu nó có thành công hay không?
Đầu tiên là pháp trị. Tại Mỹ, Tổng thống có quyền phong tỏa tài sản của nước ngoài, nhưng hiếm khi có quyền tịch thu, chỉ trừ trong trường hợp Mỹ có chiến tranh với nước đó. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Joe Biden tuyên bố công khai Mỹ không có ý định đối đầu trực tiếp với Nga.
Ông Biden có thể chuyển giao tài sản nước ngoài cho một chủ thể khác khi Mỹ không công nhận chính thể đang tồn tại, như cách Nhà Trắng từng làm đối với tài sản của Venezuela và Afghanistan. Nhưng với Nga, Mỹ tuyên bố nước này không có ý định thay đổi thể chế ở Moskva.
Theo luật pháp quốc tế, bồi thường chiến tranh thông thường liên quan đến việc tự nguyện chi trả chiến phí, coi đây là một phần của thỏa thuận hòa bình. Những cuộc đàm phán như vậy hiện còn cách xa, khi cả Nga và Ukraine đều chưa cho thấy ý định về tiến trình này. Tịch thu tài sản thuộc sở hữu cá nhân mà không có lệnh của tòa cũng là không dễ. Ở một số nước như Đức, trưng thu kiểu cưỡng ép như vậy thậm chí còn bị quy kết vi phạm hiến pháp.
Mối quan tâm và lợi ích chiến lược của phương Tây là gì? Trong ngắn hạn, tịch thu tài sản vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của Nga không tạo ra khác biệt lớn nào về cắt giảm nguồn thu buộc Điện Kremlin phải ngưng cỗ máy chiến tranh. Bởi đằng nào Nga cũng không thể chạm tới nguồn tài sản đang ở nước ngoài này, vốn nằm trong diện trừng phạt hoặc đóng băng.
Về dài hạn, tiền lệ trưng thu mà không có nền tảng pháp lý vững chắc sẽ khiến các loại tài sản gửi xuyên biên giới, trong đó có tài sản của phương Tây, dễ bị các chính quyền đối địch áp bài “ăn miếng trả miếng”. Nó cũng khiến nhiều nước – nhất là những nước không liên minh với Mỹ, có quan hệ không hữu hảo với Mỹ, có thêm động lực để “né”, thoát khỏi hệ thống tài chính do Mỹ đứng đầu – nhân tố tạo ra sức mạnh cho phương Tây.