Theo đài Sputnik (Nga), trong một tuyên bố hôm 29/9, lực lượng Taliban đã khẳng định trách nhiệm của họ đối với lãnh thổ Afghanistan, bao gồm cả vùng không phận của nước này. Tổ chức này cũng nhắc lại nghĩa vụ của Washington theo thỏa thuận hòa bình Doha tháng 2/2020.
Taliban nhấn mạnh: “Mỹ gần đây đã vi phạm toàn bộ quyền và luật pháp quốc tế cũng như cam kết với Taliban ở Doha, Qatar khi tiếp tục cho máy bay không người lái hoạt động ở Afghanistan. Những vi phạm này cần được sửa chữa và ngăn chặn. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, tuân thủ các cam kết và luật pháp quốc tế để tránh bất kỳ hậu quả tiêu cực nào”.
Tuy nhiên, Taliban không nêu rõ hậu quả đó có thể là gì. Giới chức Mỹ cũng chưa trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi quân đội Mỹ thừa nhận đã tiến hành vụ không kích bằng máy bay không người lái ở thủ đô Kabul hôm 29/8. Vụ không kích đã khiến 10 thành viên trong một gia đình thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em và một nhân viên cứu trợ. Giới chức quân sự Mỹ cho biết máy bay không người lái đã phóng một tên lửa Hellfire nhằm vào một ô tô mà họ cho là của các phần tử khủng bố ISIS-K chuẩn bị tấn công sân bay Kabul.
Vụ không kích diễn ra chỉ một ngày trước khi Mỹ hoàn tất quá trình rút quân sau 20 năm hiện diện quân sự ở Afghanistan. Washington đã tự bảo lưu quyền tiếp tục các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên khắp Afghanistan nhằm chống lại những kẻ bị tình nghi là khủng bố.
Sau khi tiến vào thủ đô Kabul và giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng trước, Taliban đã chiếm được một kho vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD của Mỹ, bao gồm nhiều vũ khí hạng nhẹ, vũ khí cỡ nhỏ, súng phóng lựu, xe chống mìn, hàng nghìn chiếc xe Humvee, pháo di động và pháo kéo, máy xúc, máy ủi. Hơn nữa, lực lượng này hiện sở hữu một số lượng nhỏ máy bay, hầu hết trong số đó là trực thăng được tháo rời một phần, ngoài ra còn có máy bay không người lái, trực thăng tấn công trinh sát và UH-60 Black Hawks.
Các nước trong khu vực đã bày tỏ lo ngại về số phận của kho vũ khí này, trong đó Nga tháng trước bày tỏ hy vọng rằng số vũ khí này sẽ không được sử dụng trong một cuộc nội chiến tiềm tàng. Nhiều người khác sợ rằng số vũ khí này có thể rơi vào tay các nhóm vũ trang cực đoan, như IS và al-Qaeda, để thực hiện các vụ tấn công nhằm vào lực lượng của Mỹ và đồng minh.