Trong một tuyên bố, Taliban xác nhận việc cải tổ nhóm chính trị, đưa các thủ lĩnh cấp cao vào các vị trí quan trọng trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ đạt tiến triển, theo đó chỉ định Baradar là người dẫn dắt nhóm chính trị và đưa ra các quyết định của lực lượng này.
Taliban nêu rõ, động thái trên nhằm thúc đẩy và xử lý thích hợp các cuộc đàm phán đang diễn ra với Mỹ, bởi Washington muốn một thủ lĩnh cấp cao của lực lượng này tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Theo Taliban, Baradar sẽ sớm sang Qatar.
Năm 2010, lực lượng tình báo Pakistan phối hợp với Mỹ đã bắt giam Baradar tại Pakistan. Đến tháng 10/2018, Baradar mới được thả tự do như một phần kết quả của các cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Taliban.
Các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột của Mỹ tại Afghanistan đã được đẩy mạnh trong năm 2018, sau khi Mỹ bổ nhiệm đặc phái viên người gốc Afghanistan Zalmay Khalilzad đứng đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban. Tính đến nay, ông Khalilzad đã tiến hành 4 cuộc đàm phán với các đại diện của Taliban, song bạo lực không vì thế mà giảm đi.
Trong khi đó, mối quan ngại về việc các lực lượng vũ trang Afghanistan khó có thể chống lại mối đe dọa từ Taliban khi không có sự ủng hộ quân sự từ phía Mỹ đang ngày một tăng sau khi Tổng thống Donald Trump bày tỏ mong muốn giảm khoảng 7.000 binh sĩ, tức 1/2 số binh sĩ đang đồn trú tại Afghanistan.
Hiện cuộc đàm phán giữa đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Khalilzad với các đại diện Taliban tại Qatar đã bước sang ngày thứ 4, nhiều hơn 2 ngày so với thời gian dự kiến ban đầu.
Theo hai thủ lĩnh cấp cao của Taliban tại Afghanistan, việc các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban bất ngờ kéo dài so với dự kiến là một tín hiệu tính cực. Trong 2 ngày đàm phán đầu tiên, hai bên đã thảo luận về lộ trình rút các lực lượng nước ngoài cũng như việc đảm bảo Taliban sẽ không tiến hành các hành động chống lại Mỹ và các đồng minh tại Afghanistan. Trong ngày làm việc thứ 4, hai bên có thể đề cập đến cơ chế ngừng bắn và cách thức tổ chức đối thoại liên Afghanistan.
Trong khi đó, các thành viên Hội đồng Hòa bình Tối cao Afghanistan (AHPC) - tổ chức giám sát các nỗ lực hòa bình song không đại diện cho Chính phủ Afghanistan - cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban có thể mang lại kết quả tích cực.
Nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận hòa bình nhằm chất dứt cuộc chiến 17 năm qua ở Afghanistan đã gặp trở ngại vì những bất đồng liên quan đến việc Taliban kiên quyết bác bỏ đề nghị đối thoại trực tiếp với Chính phủ Afghanistan, trong khi Mỹ và các nước lớn trong khu vực cho rằng tiến trình hòa bình phải do người dân Afghanistan dẫn dắt và làm chủ.