Theo hãng tin Reuters (Anh), quan chức Taliban Ahmadullah Muttaqi cho biết trên mạng xã hội rằng một buổi lễ công bố bộ máy điều hành chính thức đang được chuẩn bị tại dinh tổng thống của chính quyền cũ ở Kabul. Trong khi đó, đài truyền hình Tolo cũng tiết lộ sắp có thông báo về chính phủ mới.
Vào tháng trước, một quan chức cấp cao của Taliban cho rằng thủ lĩnh tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, sẽ nắm quyền lực tối cao ở hội đồng cai trị mới, dưới ông sẽ có một chủ tịch khác.
Dưới quyền của thủ lĩnh tối cao Taliban là 3 cấp phó, gồm ông Mawlavi Yaqoob - con trai của người sáng lập Taliban Mullah Omar, ông Sirajuddin Haqqani - thủ lĩnh mạng lưới Haqqani, và Abdul Ghani Baradar - một trong những lãnh đạo chủ chốt của Taliban.
Tính chính danh của chính phủ mới trong mắt các tổ chức viện trợ và nhà đầu tư quốc tế được cho là rất quan trọng đối với nền kinh tế Afghanistan, giữa bối cảnh đất nước phải đối mặt với hạn hán và tàn dư của cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của khoảng 240.000 người
Vào những năm 1996 cho đến khi bị lật đổ vào năm 2001, Taliban đã điều hành chính phủ đầu tiên bằng một hội đồng lãnh đạo không được bầu chọn. Lực lượng này đã thực thi luật Hồi giáo Sharia vô cùng hà khắc.
Giờ đây, Taliban đang cố gắng thể hiện ôn hòa hơn với thế giới kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng trước, cam kết sẽ bảo vệ nhân quyền và không trả thù đối thủ cũ. Nhưng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác vẫn nghi ngờ về những cam kết này. Một số nước tuyên bố rằng việc chính thức công nhận chính phủ mới của Taliban, và nguồn viện trợ kinh tế của họ, sẽ phụ thuộc vào hành động thực hiện cam kết của lực lượng này.
“Taliban sẽ phải chứng minh rất nhiều thứ. Họ cũng có thể đạt được rất nhiều lợi ích nếu có thể điều hành Afghanistan khác với cách từng làm trong lần nắm quyền trước đây”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố.
Trong khi đó, quan chức EU cho biết khối này sẽ không chính thức công nhận Taliban cho tới khi nhóm này thỏa mãn những điều kiện, gồm thành lập một chính phủ toàn diện, tôn trọng nhân quyền, bảo vệ quyền tiếp cận không kiểm soát của nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế.