Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng chính quyền Taliban Amir Khan Muttaqi nhấn mạnh: “Việc Na Uy mang lại cho chúng tôi cơ hội này đã là một thành tựu, vì chúng tôi chia sẻ sân khấu này với thế giới… Từ những cuộc gặp này, chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được hỗ trợ cho các lĩnh vực nhân đạo, y tế và giáo dục tại Afghanistan”.
Đây là lần đầu tiên Taliban cử phái đoàn đến châu Âu kể từ khi lực lượng này trở lại nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8/2021. Phái đoàn do ông Muttaqi dẫn đầu đã bắt đầu vòng đàm phán với các đại diện ngoại giao của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Italy, Liên minh châu Âu (EU) và Na Uy. Các cuộc thảo luận diễn ra vào chiều 24/1 (theo giờ Hà Nội) dưới hình thức họp kín tại khách sạn Soria Moria, ngoại ô thủ đô Oslo.
Tình hình nhân đạo tại Afghanistan đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền và cộng đồng quốc tế tạm dừng các hoạt động viện trợ cho nước này. Hàng triệu người dân Afghanistan vốn đã khốn khổ vì nạn đói do hạn hán kéo dài tiếp tục đối mặt với các tình huống khẩn cấp khác.
Hôm 23/1, Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan - ông Thomas West đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng Washington cùng các đồng minh sẽ tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao sáng suốt với Taliban. Na Uy nhấn mạnh những cuộc đàm phán diễn ra không đồng nghĩa rằng các nước phương Tây công nhận chính quyền do Taliban dẫn đầu tại Afghanistan. Tuần trước, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt nhận định đàm phán với Taliban là việc phải làm để tránh tình hình chính trị dẫn tới một thảm họa nhân đạo tồi tệ hơn.