Nghị quyết được HĐBA thông qua ngày 17/3, theo đó gia hạn sứ mệnh của Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA), sau khi Taliban giành quyền kiểm soát nước này từ tháng 8/2021. Các nhiệm vụ của phái bộ này bao gồm hợp tác trong một số lĩnh vực, các vấn đề nhân đạo và chính trị, cũng như các vấn đề quyền con người, bao gồm trẻ em, phụ nữ và các nhà báo.
Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết: “Chúng tôi coi việc gia hạn sứ mệnh của UNAMA là một bước đi tốt và mong muốn phái bộ sẽ làm việc hiệu quả để giải quyết các vấn đề nhân đạo và nhiều vấn đề khác tại Afghanistan”. Người phát ngôn này khẳng định Taliban "sẽ hợp tác" với UNAM.
UNAMA được triển khai lần đầu tiên năm 2002, với các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, hợp tác chính trị và hợp tác trong khu vực. Trước khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan năm ngoái, phái bộ này cũng có nhiệm vụ bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột và thúc đẩy tiến trình hòa bình tại nước này.
LHQ chưa công nhận đại diện của Taliban tại LHQ. Nghị quyết trên của HĐBA do Na Uy soạn thảo, không nhắc đến từ Taliban và không thể hiện sự công nhận của quốc tế đối với chính quyền mới ở Afghanistan.
Phát biểu sau khi nghị quyết được thông qua, Đại sứ Na Uy tại LHQ Mona Juul cho biết: "HĐBA đã đưa ra thông điệp rõ ràng đối với sứ mệnh mới: UNAMA có một vai trò quan trọng là thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Afghanistan và hỗ trợ người dân nước này khi đối mặt với bất ổn và những thách thức chưa từng thấy".
Afghanistan đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng. LHQ và các cơ quan viện trợ toàn cầu cho biết hơn một nửa trong số triệu dân Afghanistan đối mặt với nạn đói trong mùa Đông khắc nghiệt hiện nay. Tháng 1/2022, LHQ đã kêu gọi viện trợ cho Afghanistan 5 tỷ USD nhằm tránh một thảm hoạ nhân đạo.