Theo đài Sputnik, hội đồng này gồm tổng cộng 12 thành viên và tới nay đã có 7 ứng cử viên đồng ý tham gia, trong đó có cựu Tổng thống Hamid Karzai, người đứng đầu Hội đồng Cấp cao Hòa giải Dân tộc Abdullah Abdullah và Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh và là một thành viên sáng lập Taliban.
Nguồn tin trên nêu rõ: “Afghanistan sẽ được điều hành bởi một hội đồng 12 thành viên. Những người đồng ý tham gia đã có lãnh đạo thành lập phong trào Taliban Abdul Ghani Baradar; thành viên cấp cao nhóm Haqqani, ông Mullah Yaqub; Khalil-ur-Rehman Haqqani, thành viên cấp cao Taliban; ngài Abdullah Abdullah; cựu Tổng thống Hamid Karzai; cựu Bộ trưởng Nội vụ Hanif Atmar và lãnh đạo Đảng Islam Gulbuddin Hekmatyar”.
Tin cho biết thêm các cuộc thảo luận đang diễn ra khẩn trương để chỉ định 5 thành viên còn lại. Nguyên soái quân đội Afghanistan Abdul Rashid Dostum và cựu Tỉnh trưởng tỉnh Balkh, ông Atta Mohammad Noor, có thể sẽ không tham gia hội đồng lãnh đạo này.
Theo hãng tin AP, Taliban cũng đã chỉ định những người giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính, Giám đốc Cơ quan Tình báo và quyền Bộ trưởng Nội vụ, 2 ngày sau khi bổ nhiệm một người đứng đầu Ngân hàng Trung ương.
Trong khi đó, người phát ngôn Taliban Waheedullah Hashimi không đề cập tới thủ lĩnh cao nhất của Taliban là Haibatullah Akhundzada. Theo Reuters, như vậy nhiều khả năng ông Haibatullah Akhundzada sẽ đóng vai trò là lãnh tụ tối cao của Afghanistan, vị trí cao hơn người đứng đầu hội đồng lãnh đạo nói trên, và một cấp phó của thủ lĩnh Akhundzada dự kiến giữ chức tổng thống.
Thủ lĩnh tối cao Akhundzada hiện nay của Taliban có 3 phó tướng gồm: Mawlavi Yaqoob - con trai của ông Mullah Omar; Sirajuddin Haqqani - thủ lĩnh mạng lưới chiến binh Haqqani đầy quyền lực, Abdul Ghani Baradar - lãnh đạo văn phòng chính trị của Taliban tại Doha (Qatar) và là một trong những thành viên sáng lập của phong trào.
Cấu trúc quyền lực này cho thấy nhiều nét tương đồng với cách thức Taliban từng lãnh đạo đất nước Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001, trước khi chính quyền này bị Mỹ và liên quân lật đổ. Trong thời kỳ này, nhà sáng lập phong trào, Mullah Omar là thủ lĩnh tối cao và ông nhường quyền điều hành đất nước cho một hội đồng.
Trước đó, trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, ông Hashimi đã khẳng định nhiều vấn đề liên quan đến cách thức Taliban sẽ điều hành Afghanistan vẫn chưa được hoàn thiện, song Afghanistan sẽ không phải là một nền dân chủ kiểu phương Tây. Ông nêu rõ: “Sẽ không có bất cứ hệ thống dân chủ nào, bởi vì hệ thống đó không có bất kỳ nền tảng nào ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thảo luận về hình thức của hệ thống chính trị mà chúng tôi sẽ áp dụng ở Afghanistan, bởi vì vấn đề này là hết sức rõ ràng. Đó là Luật Hồi giáo (Sharia) và chỉ có vậy mà thôi”.
Một tuần sau khi giành chính quyền, các chỉ huy của Taliban sẽ gặp các cựu thống đốc và quan chức tại hơn 20 trong số 34 tỉnh của Afghanistan nhằm bảo đảm an toàn cho những người này và tìm kiếm sự hợp tác.
Trao đổi với hãng tin Reuters, một nhân vật cấp cao giấu tên của Taliban nêu rõ: "Chúng tôi không ép buộc bất kỳ cựu quan chức chính phủ nào tham gia hay chứng minh thiện chí của họ với Taliban, họ có quyền rời khỏi đất nước nếu muốn". Theo nhân vật này, Taliban đang muốn kiểm chứng rõ ràng về kế hoạch rút quân của lực lượng nước ngoài, nhấn mạnh việc xử lý tình trạng hỗn loạn bên ngoài sân bay thủ đô Kabul là "một nhiệm vụ phức tạp".
Ngày 23/8, Taliban đã chỉ định ông Haji Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan nhằm giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế ngày càng nghiêm trọng tại nước này. Việc chỉ định ông Haji Mohammad Idris được kỳ vọng sẽ giúp lập lại trật tự cho nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá. Trong 1 tuần qua, các ngân hàng tại Afghanistan đều phải đóng cửa do tình hình an ninh bất ổn trong khi nhiều văn phòng chính phủ bị bỏ trống. Ông Haji Mohammad Idris sẽ giúp tổ chức các cơ quan và giải quyết các vấn đề kinh tế mà Afghanistan phải đối mặt.
Cùng ngày, hai nguồn tin Taliban cho biết phong trào Hồi giáo này sẽ không thông báo việc thành lập chính phủ mới cho tới khi Mỹ hoàn thành quá trình rút quân khỏi Afghanistan. Một nguồn tin nhấn mạnh phía Taliban đã quyết định rằng việc thành lập chính phủ và nội các sẽ không được công bố chừng nào còn một binh sĩ Mỹ hiện diện ở Afghanistan.
Tuy nhiên, ông Mullah Abdul Ghani Baradar tuyên bố Taliban mong muốn xây dựng quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các quốc gia trên thế giới. Thông điệp trên mạng xã hội Twitter của ông Mullah ngày 21/8 nêu rõ: "Vương quốc Hồi giáo Afghanistan muốn thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước, đặc biệt là với Mỹ". Với tuyên bố trên, ông Mullah đã bác bỏ những thông tin trên truyền thông cho rằng Taliban không có ý định thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với Mỹ.