Mỹ muốn mọi thỏa thuận hòa bình phải có cam kết từ phía Taliban rằng lực lượng này sẽ không sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ cho các tổ chức khủng bố.
Một nội dung then chốt khác của thỏa thuận, mà Mỹ và Taliban đã đề ra hơn 1 năm qua, đó là các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên xung đột tại Afghanistan.
Các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ như thế dự kiến được xúc tiến trong vòng 2 tuần kể từ ngày ký thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban, nhằm định hình đất nước Afghanistan thời hậu chiến và vai trò của Taliban.
Đàm phán bao hàm một loạt vấn đề, như quyền của phụ nữ, tự do ngôn luận và số phận của hàng chục nghìn tay súng Taliban, cũng như số phận của các nhóm vũ trang hạng nặng nằm dưới quyền các lãnh chúa nổi lên cát cứ tại Afghanistan sau khi chính quyền Taliban sụp đổ.
Thỏa thuận cần phải được thủ lĩnh tối cao Taliban tán thành và kịch bản này nhiều khả năng sẽ diễn ra. Thời gian ngừng bắn không được nêu rõ, song các nguồn tin đáng tin cậy cho rằng ngừng bắn sẽ có hiệu lực trong 10 ngày.
Nhà Trắng chưa bình luận gì về thông tin nói trên.
Đây có thể là động thái mang tính bước ngoặc vì việc ký thỏa thuận hòa bình sẽ tạo điều kiện để Chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa binh sĩ về nước, chấm dứt 19 năm can thiệp quân sự của Mỹ tại Afghanistan, cuộc chiến lâu nhất của Mỹ ở nước ngoài. Mỹ hiện có khoảng 12.000 binh sĩ tại quốc gia Tây Nam Á này.
Trước đó, ngày 13/12, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad cho biết nhóm của ông đang “tạm dừng” đàm phán với Taliban sau cuộc tấn công căn cứ quân sự Bagram của Mỹ ngày 11/12 làm 2 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.
Trong khi Người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen cho biết cuộc gặp ngày 13/12 "đã diễn ra rất tốt đẹp và thân thiện". Theo ông Shaheen, "hai bên quyết định sẽ nối lại đàm phán sau vài ngày tạm dừng để tham vấn".
Đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban đã được nối lại từ đầu tháng 12 này nhằm hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn và một giải pháp cho cuộc chiến kéo dài 18 năm qua tại Afghanistan. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã phải dừng lại hôm 12/12 vừa qua sau khi xảy ra vụ tấn công của phiến quân nhằm vào một căn cứ không quân của Mỹ ở phía Bắc thủ đô Kabul, làm 2 dân thường thiệt mạng và hàng chục người bị thương
Trong cuộc chiến kéo dài gần 2 thập kỷ qua, hàng chục nghìn dân thường Afghanistan, và giới chức an ninh nước này và hơn 2.400 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng. Mỹ hiện có khoảng 13.000 binh sĩ đang đồn trú tại Afghanistan bên cạnh hàng nghìn binh sĩ NATO. Giới chức Mỹ đã thông báo con số này có thể sẽ giảm xuống 8.600 binh sĩ và Mỹ sẽ chỉ duy trì một phái bộ chống khủng bố hiệu quả cũng như một số ít quân nhân có nhiệm vụ cố vấn cho các lực lượng của Afghanistan