Afghanistan sản xuất hầu hết thuốc phiện và bạch phiến trên thế giới, nhưng ngay sau khi kiểm soát Kabul, Taliban đã tuyên bố ma túy sẽ không còn được sản xuất dưới thời lực lượng này cầm quyền.
Sản xuất ma túy, chủ yếu là thuốc phiện và heroin, là động lực quan trọng của nền kinh tế Afghanistan và từ lâu Taliban đã sử dụng nó như một nguồn thu nhập để mua vũ khí, mở rộng ảnh hưởng trên đường giành quyền kiểm soát đất nước.
Do phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động trồng trọt, sản xuất và buôn bán thuốc phiện, ý tưởng dừng xuất khẩu ma túy của Taliban có vẻ xa vời với nhiều người.
Sản xuất thuốc phiện ăn sâu và sinh lợi thế nào tại Afghanistan?
Đất nước này sản xuất từ 80-90% nguồn cung cấp thuốc phiện bất hợp pháp trên toàn cầu và cũng là nguồn cung cấp các loại cần sa, ma túy tổng hợp như methamphetamines, và ma hoàng – một loại thảo mộc hoang dã có tác dụng nhanh được sử dụng trong ma túy đá.
Heroin từ Afghanistan được buôn bán đến mọi khu vực trên thế giới, ngoại trừ Mỹ Latinh, nơi có nguồn cung riêng. Theo Sky News, châu Âu là điểm đến chính của heroin Afghanistan, được buôn lậu qua Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Balkan.
Theo cuộc Khảo sát Thuốc phiện Afghanistan thực hiện bởi các lực lượng Liên quân Mỹ và Liên hợp quốc, nhiều khu vực rộng lớn đất nông nghiệp đã được chuyển sang trồng cây thuốc phiện vì đây là một loại cây mang lại lợi nhuận cao, với khoảng 224.000 ha vào năm 2020, tăng 37% so với năm 2019.
Có tới 22 trong tổng số 34 tỉnh ở Afghanistan chịu ảnh hưởng bởi hoạt động trồng thuốc phiện. Người ta ước tính rằng mỗi hecta sản xuất ra 28kg thuốc phiện, có nghĩa là tổng cộng 6.300 tấn thuốc phiện đã được sản xuất ở Afghanistan vào năm ngoái.
Giá thuốc phiện tại cổng trang trại đã giảm 13% từ năm 2019, còn 54 USD/kg vào năm 2020. Như vậy tổng giá trị sản xuất thuốc phiện năm ngoái ước tính khoảng 348 triệu USD. Đây là mức thấp nhất kể từ khi cuộc Khảo sát bắt đầu vào năm 2009, trong đó năm 2011 và 2017 đạt giá trị cao nhất khoảng 1,5 tỉ USD. Ít nhất 1/5 GDP của Afghanistan được cho là đến từ buôn bán thuốc phiện.
Điều gì thúc đẩy sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan?
Câu trả lời là quyền lực, chính trị và tiền bạc.
Afghanistan là quốc gia nghèo thứ sáu trên thế giới, phần lớn mọi hoạt động đều xoay quanh kiếm ra tiền. Nông nghiệp chiếm khoảng một nửa hoạt động kinh tế ở Afghanistan, và lĩnh vực này cũng chiếm ít nhất một nửa tổng số công ăn việc làm ở một quốc gia mà cứ 5 người thì có 2 người thất nghiệp!
So với các loại cây trồng khác, cây anh túc đòi hỏi nhiều nhân lực hơn, vì thế, hoạt động trồng trọt cây này cho phép tuyển nhiều lao động.
Ít người biết rằng sự chuyển đổi của Afghanistan thành một "miền đất ma tuý" bắt nguồn từ những năm 1980 với cuộc chiến bí mật của tình báo Mỹ (CIA) chống lực lượng Liên Xô trên đất nước này. Năm 1986, Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo rằng thuốc phiện "là một loại cây trồng lý tưởng ở một đất nước bị chiến tranh tàn phá vì nó cần ít vốn đầu tư, phát triển nhanh, lại dễ dàng vận chuyển và buôn bán".
Charles Cogan, cựu giám đốc hoạt động của CIA tại Afghanistan, sau đó thừa nhận: "Chúng tôi thực sự không có đủ nguồn lực hoặc thời gian để điều tra việc buôn bán ma túy."
Tiếp đó, sự khan hiếm các nguồn thu khác khi nền kinh tế sụp đổ vào năm 2001, khi Chiến tranh Afghanistan bắt đầu, đã buộc nhiều nông dân phải chuyển sang trồng thuốc phiện để xuất khẩu.
Bất chấp những nỗ lực của Liên quân Mỹ nhằm ngăn chặn ngành công nghiệp này, các quan chức tham nhũng trong chính quyền Afghanistan vẫn thường xuyên nhận hối lộ để làm ngơ với hoạt động buôn bán ma túy.Thậm chí nhiều kẻ bị tình nghi buôn bán ma túy cũng trở thành quan chức hàng đầu trong chính phủ khi chính quyền của cựu Tổng thống Hamid Karzai được thành lập vào năm 2001.
Mỹ muốn áp dụng chương trình xóa sổ thuốc phiện vào năm 2004 nhưng Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Zalmay Khalilzad, và đồng minh địa phương Ashraf Ghani (sau này trở thành tổng thống) cảnh báo rằng điều đó sẽ đồng nghĩa tình trạng "bần cùng hóa lan rộng" vì phần lớn dân số sống dựa vào sản xuất thuốc phiện.
Rabina Khan, một cố vấn của Hạ viện Anh, nói với Sky News: “Rất nhiều nông dân muốn làm những việc khác nhưng cách dễ nhất là trồng cây thuốc phiện và sản xuất heroin.
Taliban tham gia buôn bán thuốc phiện như thế nào?
Taliban tham gia vào mọi khâu của hoạt động, từ trồng trọt đến trồng trọt đến buôn bán thuốc phiện và heroin trên khắp thế giới, cũng như "đánh thuế" những người trồng trọt, xưởng chiết xuất ma túy và thu phí vận chuyển từ những kẻ buôn lậu.
Một báo cáo của Tổng thanh tra đặc biệt Mỹ về Afghanistan dẫn lời một quan chức Mỹ ước tính Taliban kiếm tới 60% doanh thu hàng năm từ các chất ma túy bất hợp pháp.
Hai thập kỷ trước, để chiếm được Kabul và các thành phố lớn khác, CIA đã tài trợ cho các lãnh chúa, những người kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc phiện và khi Taliban sụp đổ, họ tiếp tục hoạt động buôn bán ma túy theo quy mô lớn hơn.
Các chiến binh Taliban đã quay trở lại buôn bán thuốc phiện vào năm 2004 khi họ "bắt đầu khai thác nguồn lợi ma túy để mua vũ khí, hậu cần và trả lương” – theo báo cáo Điều tra về Thuốc phiện tại Afghanistan năm 2007 của LHQ.
Năm 2010, Mỹ đã cố gắng trấn áp hoạt động buôn bán ma túy, trước tình trạng số lượng người Mỹ nghiện heroin ngày càng tăng, bằng cách gửi thêm quân đến tỉnh Helmand - trung tâm của hoạt động buôn bán heroin toàn cầu - để nhắm vào các chiến binh Taliban. Nhưng những người nông dân trồng thuốc phiện địa phương đã bất chấp, tiếp tục trồng anh túc.
Đến năm 2015, Taliban đã kiểm soát hơn một nửa khu vực nông thôn của Afghanistan và năm sau đó, người ta xác nhận rằng các quan chức chính phủ Afghanistan đang giành giật với Taliban để kiểm soát lợi nhuận thuốc phiện.
Điều gì sẽ xảy ra với hoạt động buôn bán thuốc phiện khi Taliban trở lại nắm quyền?
Một quan chức Mỹ am hiểu về buôn bán ma túy của Afghanistan cho biết: “Mỹ và các đối tác quốc tế đã rút lui và không giải quyết vấn đề thuốc phiện nữa. Những gì bạn sẽ thấy là nó đã phát nổ."
Taliban đầu tuần này cho biết sẽ "không sản xuất ma túy, không buôn lậu ma túy" nhưng cho biết họ "cần sự giúp đỡ của quốc tế cho việc đó". Nhưng với hầu hết các quốc gia không sẵn sàng thừa nhận Taliban là chính quyền hợp pháp, sự giúp đỡ đó có thể không bao giờ đến.
Rabina Khan, người từng giúp xây dựng "Câu chuyện nghệ tây" của Afghanistan để kêu gọi người dân Afghanistan trồng loại gia vị đắt tiền thay vì cây anh túc, cho biết: “Taliban có quyền kiểm soát biên giới nên điều đó sẽ giúp họ càng dễ dàng đưa thuốc phiện và heroin ra khỏi đất nước. Taliban sẽ đánh thuế và nếu bắt ngừng sản xuất thuốc phiện, họ sẽ gặp phản ứng dữ dội từ nông dân nghèo”.
"Tôi không nghĩ rằng họ sẽ ngừng sản xuất thuốc phiện vì đó là nguồn thu nhập lớn và hỗ trợ những người họ đang cai trị”, ông Rabina Khan nói.
Bản thân Afghanistan cũng đối mặt vấn nạn ma túy nghiêm trọng. Theo ước tính của LHQ, có từ 2-2,5 triệu người sử dụng ma túy ở nước này, trong đó nhiều người nghiện heroin nặng.
Với việc Taliban phụ thuộc nhiều vào hoạt động buôn bán ma túy và những thứ cung cấp nhiên liệu cho họ, chưa rõ lực lượng này sẽ kiếm nguồn tiền ở đâu thay thế nếu họ ngừng sản xuất thuốc phiện.
Năm 2019, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy viện trợ phát triển tương đương 22% GDP Afghanistan nhưng hiện tại, các dòng viện trợ đã dừng lại, và bất định trong tương lai.
Afghanistan có nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể, bao gồm đồng, coban, than đá, quặng sắt, dầu, khí đốt, đá quý và lithium - những khoáng sản đang có nhu cầu cao phục vụ sản xuất pin cho ô tô điện và điện thoại di động.
Lâu nay hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp cũng đã mang lại nguồn thu cho Taliban. Với việc nắm được chính quyền, Taliban có thể sẽ tìm cách khai thác “mỏ vàng” ngàn tỉ đôla dưới lòng đất.